Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN huyện Lak chú trọng phát triển hội viên dân tộc thiểu số

06:04, 24/09/2011

Trong những năm qua, cùng với việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lak cũng rất chú trọng việc tập hợp, phát triển hội viên, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo. 

Toàn xã Dak Liêng (Lak) hiện có 1.831 hộ có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên thì có 1.707 hộ có phụ nữ tham gia sinh hoạt hội. Điều đáng nói, trong tổng số 1.707 hội viên phụ nữ của xã có 987 hội viên dân tộc thiểu số. Để tập hợp được đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt hội, ngoài việc giao chỉ tiêu cho từng chi hội qua các năm, HPN xã rất coi trọng việc phát động, xây dựng, nhân rộng các phong trào, hoạt động để chị em hiểu vai trò của hội và tự nguyện đăng ký tham gia. Đối với những chi hội hoạt động yếu, Ban Chấp hành HPN xã đã trực tiếp xuống địa bàn tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, hướng dẫn xây dựng các mô hình.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh thăm hỏi hội viên phụ nữ xã Dak Phơi (huyện Lak).
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh thăm hỏi hội viên phụ nữ xã Dak Phơi (huyện Lak).
Chẳng hạn như chi hội phụ nữ buôn Ranh B (xã Dak Liêng). Toàn buôn có 105 hộ đồng bào M’nông nhưng có đến 41 hộ nghèo. Đa số bà con đều có ruộng, rẫy nhưng vì không có vốn đầu tư nên năng suất thấp, cái đói, nghèo cứ mãi đeo bám. Nhiều hộ không dám vay vốn để đầu tư vì sợ thua lỗ không có tiền trả… Ban Chấp hành HPN xã đã trực tiếp xuống buôn khảo sát, hướng dẫn hội viên lập hồ sơ vay vốn và chọn gia đình chị H’Min Nơm làm điểm xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Gia đình chị H’Min có 3 sào cà phê và 8 sào lúa nhưng vì không có vốn đầu tư nên sản lượng thu được chẳng đáng là bao và vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của buôn. Được HPN xã đứng ra tín chấp cho vay 15 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư mua 3 con bò và phân bón để chăm sóc lúa. Nhờ được hội hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích lại chăm chỉ, chịu khó nên đến nay, đàn bò đã tăng lên 7 con, gạo ăn cả năm vẫn còn chục bao để dành lúc giáp hạt. Từ chỗ 6 người trong gia đình chị phải ăn đong từng bữa, nay đã vươn lên thoát nghèo, trở thành điểm tựa cho nhiều chị em noi theo. Chị H’Min cho biết: “Trước đây gia đình mình rất khó khăn, chỉ lo làm ăn chứ không nghĩ đến việc vào hội nào cả. Khi được các chị ở HPN xã và buôn tuyên truyền, vận động mình đã đăng ký tham gia. Từ khi tham gia sinh hoạt hội, mình không chỉ được tạo điều kiện vay vốn, mà còn được chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình phát triển kinh tế nên cuộc sống gia đình ổn định hơn trước nhiều. Mình thấy tham gia sinh hoạt hội mang lại nhiều lợi ích thiết thực nên đã tuyên truyền, vận động thêm được một số chị em khác cùng tham gia”. Được sự tuyên truyền, động viên của HPN xã, nhiều chị em trong buôn đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế. Từ năm 2007 đến nay, HPN xã đã đứng ra tín chấp cho trên 100 lượt hội viên của buôn vay hơn 1,4 tỷ đồng đầu tư chăn nuôi, trồng lúa, chăm sóc cà phê, mua máy cày phục vụ sản xuất. Nhờ cách làm linh động của HPN xã mà chỉ trong vòng 3 năm, số hộ hội viên phụ nữ nghèo của buôn Ranh B đã giảm từ 41 hộ xuống còn 20 hộ, nhiều hộ có thu nhập từ 20 đến 40 triệu đồng/năm.

Hội LHPN huyện Lak hiện có 8.280 hội viên, trong đó hội viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 68%. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, Hội đã phát triển được trên 1.500 hội viên. Theo chị Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lak: để thu hút được đông đảo hội viên, nhất là hội viên dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt hội, Ban Chấp hành Hội đã phối hợp với các cấp, các ngành và chỉ đạo HPN các xã, thị trấn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài việc cử cán bộ chuyên trách là người dân tộc thiểu số xuống tận các thôn, buôn tuyên truyền, vận động, Hội cũng đã chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, hội viên, ưu tiên đào tạo nghề, phát triển kinh tế, xây dựng mô hình điểm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như trong năm 2010, Hội LHPN huyện đã khảo sát và lập danh sách 216 chị tuổi từ 15 đến 35 bị tái mù chữ, vận động chị em tham gia học các lớp xóa mù miễn phí do hội phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức. Để giúp chị em phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đến nay, các cấp HPN trong huyện đã tín chấp trên 43 tỷ đồng cho hội viên vay, vận động chị em có kinh tế khá giúp đỡ hội viên nghèo về vốn, cây, con giống. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn như nuôi heo hướng nạc, gà tam hoàng, nuôi ếch, cá… Nhờ vậy, riêng trong năm 2010, đã có 163 hội viên được giúp thoát nghèo, giảm số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ xuống còn 304 hộ.

Bình Nguyên

Ý kiến bạn đọc