Multimedia Đọc Báo in

“Hũ gạo tiết kiệm” của phụ nữ buôn Ea Mấp

09:41, 25/10/2011

Chi hội phụ nữ buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) có 260 hội viên, trong đó số hội viên diện đói nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn, chi hội phụ nữ buôn đã phát động phong trào xây dựng mô  hình “hũ gạo tiết kiệm”. Mô hình này đã góp phần giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống; và đây cũng là việc làm thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chị Amí Lựu, Chi hội trưởng phụ nữ buôn Ea Mấp cho biết: Mô hình “hũ gạo tiết kiệm” ra đời vào đầu năm 2011. Ngay khi phát động, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo chị em hội viên. Hầu hết chị em hội viên phụ nữ trong buôn, bất kể hoàn cảnh gia đình giàu hay nghèo, cũng đều có một “hũ gạo tiết kiệm” đặt tại gian bếp của gia đình mình. Hũ gạo tiết kiệm có thể là những hũ sành, túi gai,… mỗi khi nấu cơm các chị lại tiết kiệm một nắm gạo bỏ vào, đến đợt các chị mang số gạo này góp lại. Sau đó, căn cứ vào điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu thực tế của các hội viên, chi hội sẽ trích số gạo thu được để hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chị em phụ nữ buôn Ea Mấp tổ chức quyên góp gạo, giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn
Chị em phụ nữ buôn Ea Mấp tổ chức quyên góp gạo, giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn
Đến nay, chi hội đã tổ chức xổ gạo được một lần, với số gạo thu được khoảng 50 kg. Tuy số gạo mà mỗi hội viên nhận được không nhiều nhưng vượt lên giá trị vật chất, “hũ gạo tiết kiệm” của chi hội phụ nữ buôn Ea Mấp đã thực sự phát huy được tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo của chị em phụ nữ trong buôn. Chị Amí Lựu tâm sự: “Đa phần các chị em trong buôn đều sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, tiền thì không phải khi nào cũng có song gạo thì lúc nào cũng sẵn, ai cũng sẵn sàng bớt đi một ít để chia sẻ với những người khó khăn hơn,....”

Có mặt tại gia đình chị H’Pun Niê, một hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong buôn được hỗ trợ từ mô hình “hũ gạo tiết kiệm”, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa của phong trào thiết thực này. Gia đình chị H’Pun Niê chỉ có gần 2 sào cà phê, song lại có đến 4 miệng ăn, do nguồn vốn đầu tư không có nên cây cà phê phát triển kém và cho năng suất thấp, để trang trải thêm cho cuộc sống hằng ngày, chị H’Pun phải đi làm thuê, làm mướn song công việc không ổn định nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, chật vật. Khi xổ “hũ gạo tiết kiệm”, chi hội phụ nữ buôn đã ưu tiên giúp đỡ chị 30 kg gạo, nhờ vậy mà gia đình không bị đứt bữa,… Chị H’Pun nói: “Tôi cảm ơn các chị em phụ nữ trong buôn nhiều lắm, nhờ sự hỗ trợ từ “hũ gạo tiết kiệm” mà gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn,... Tôi sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên thoát nghèo,…”

Chị Bùi Thị Oanh - Chủ tịch hội phụ nữ thị trấn Ea Pôk nói: “Mô hình “hũ gạo tiết kiệm” của chi hội phụ nữ buôn Ea Mấp tuy mới hình thành cách đây chưa lâu nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ với một nắm gạo nhỏ mỗi ngày, các chị em đã có thể giúp đỡ cả gia đình một hội viên không bị đứt bữa. Đây được xem là chi hội điểm để các Chi hội khác học tập và làm theo,…”.

Trung Dũng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.