Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên nông thôn với phong trào “4 mới”

08:40, 11/01/2012

Phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua tuổi trẻ toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào "4 mới" (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới) và gặt hái được nhiều kết quả, trong đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả của thanh niên nông thôn, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trẻ tại địa phương.

Những mô hình tiêu biểu

Nhờ được tư vấn và hỗ trợ kịp thời của các cấp bộ đoàn, nhiều thanh niên nông thôn đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, trở thành các điển hình tiên tiến trong phong trào lập thân lập nghiệp. Năm 2009, anh Nguyễn Văn Quân (xã Ea Phê, huyện Krông Pak), được Huyện Đoàn hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm cho thanh niên. Anh mạnh dạn xây 4 lò ấp trứng, công suất 15.000 trứng/lò, đồng thời đầu tư ao cá với diện tích 800m2. Nhờ lao động bền bỉ, biết áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, mỗi năm gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng. Hiện, anh là nhà cung cấp, phân phối con giống chủ yếu cho các trại chăn nuôi gà, vịt ở xã Ea Phê. Mô hình sản xuất của anh được đoàn viên thanh niên trong chi đoàn học hỏi, nhân rộng. Với thanh niên Lê Ngọc Hoàng (thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin), việc lựa chọn hướng đi đúng cũng là một vấn đề. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Kỹ thuật điện, anh được nhận vào làm việc tại Công ty Gạch Đồng Tâm Long An và đảm nhiệm cương vị trợ lý giám đốc kỹ thuật với mức lương cao. Nhưng niềm khát khao mở một tiệm điện tại quê nhà để dạy nghề cho thanh niên nông thôn đã thôi thúc anh trở về. Là người có chuyên môn vững vàng, cộng với số vốn được vay giải quyết việc làm cho thanh niên, năm 2006 anh mở tiệm sửa chữa điện lạnh. Từ một tiệm điện nhỏ, đến nay đã phát triển thành Công ty TNHH Kỹ thuật điện Ngọc Hoàng, vừa mua bán thiết bị điện vừa nhận thi công lắp ráp hệ thống điện với số vốn lưu động hơn 2 tỷ đồng. Công ty cũng đã tạo việc làm cho một số thanh niên dân tộc thiểu số với thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.

Từ vốn vay của Đoàn, H’Thúy Kẽn (sinh năm 1987, tổ dân phố Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) cũng rất thành công với mô hình rau sạch. Trước đây, kinh tế gia đình H’Thúy chỉ phụ thuộc mấy sào ruộng trồng lúa và rau theo thời vụ nên rất khó khăn. Năm 2008, được tham gia lớp tập huấn về mô hình phát triển kinh tế nông thôn do Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tổ chức, H’Thúy đăng ký mô hình rau sạch và được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà lưới 620 m2 trồng những loại rau ngắn ngày như cải, cà rốt, ngò, hành, su hào, xà lách… Sản phẩm thu hoạch không sử dụng chất kích thích hay hóa chất độc hại nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Phấn khởi với những kết quả đạt được H’Thúy vừa khuyến khích, truyền kinh nghiệm cho bà con xung quanh vừa hướng dẫn các chi đoàn Quỳnh Tân, Quảng Điền, Dur Kmăn tham gia trồng rau sạch. Với những kết quả đạt được, năm 2009 H’Thúy trở thành người trẻ nhất được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của.

ĐVTN Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Lốp (huyện Ea Súp) tham quan học tập mô hình trồng lúa cạn LC408 năng suất cao của gia đình anh Lý Văn Sài.
ĐVTN Làng Thanh niên lập nghiệp Ya Lốp (huyện Ea Súp) tham quan học tập mô hình trồng lúa cạn LC408 năng suất cao của gia đình anh Lý Văn Sài.

Được “trợ sức” kịp thời

Với sức trẻ, quyết không cam chịu đói nghèo, lạc hậu cộng với sự trợ sức của tổ chức đoàn từ nguồn vốn ủy thác, nhiều thanh niên đã vươn lên làm giàu chính đáng. Trong 5 năm qua, thông qua các kênh cho vay hộ nghèo, vay giải quyết việc làm, vay sản xuất kinh doanh, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ gần 18.000 hộ thanh niên nghèo vay gần 220 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, nuôi trồng, khôi phục nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn thanh niên nông thôn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn, điểm trình diễn, tham quan học tập mô hình… Chỉ tính riêng trong năm 2011, các cấp Đoàn, Hội đã phối hợp tổ chức được 30 lớp đào tạo nghề (Tin học, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nổ, sửa chữa xe máy, chăn nuôi thú ý, trồng trọt, nông cơ…) cho 1.200 thanh niên tại 15 huyện, thị, thành phố, giải quyết việc làm cho 5.340 thanh niên; tổ chức 105 điểm tư vấn, giới thiệu việc làm cho 30.120 thanh niên nông thôn. Nhờ vậy mà nhiều ĐVTN đã lựa chọn được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, không chỉ tạo việc làm cho bản thân, gia đình mà còn hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các ĐVTN khác.

Có thể nói, việc giúp thanh niên khai thác hiệu quả nguồn vốn từ các kênh đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực của thanh niên. Các hoạt động này góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cổ vũ thanh niên nông thôn làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Anh Y Vinh Tơr, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "4 mới", các cấp bộ đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời củng cố, nhân rộng các mô hình sản xuất, các kênh cập nhật thông tin thị trường, đưa kiến thức khoa học - kỹ thuật tới tất cả ĐVTN”.

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc