Multimedia Đọc Báo in

Những con đường làm từ sức dân tại Tổ dân phố 7, phường Tân Tiến (TP.Buôn Ma Thuột)

13:57, 27/11/2013
Từ nhiều năm qua, tổ dân phố 7, phường Tân Tiến (TP.Buôn Ma Thuột) luôn là đơn vị đi đầu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt người dân tổ dân phố rất nhiệt tình hưởng ứng và sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của xây dựng đường giao thông và các công trình công cộng khác.

Tổ dân phố 7, phường Tân Tiến hiện có 250 hộ dân, trong đó hầu hết là người lao động nghèo và buôn bán nhỏ, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Toàn bộ các hộ dân trong tổ dân phố sinh sống tại 2 con hẻm lớn và 5 hẻm nhỏ. Ngoài đường vào hai hẻm lớn đã được bê tông hóa từ lâu thì tại 5 hẻm nhỏ chủ yếu là đường cấp phối gập ghềnh,  không thuận tiện cho việc đi lại. Trước tình trạng đó, cấp ủy Chi bộ Tổ dân phố 7 đã ra Nghị quyết và bàn bạc với Ban tự quản với quyết tâm bê tông hóa toàn bộ đường vào 5 hẻm trong tổ dân phố để tạo diều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại.

Người dân tham gia làm đường tại hẻm 181/1 Quang Trung.
Người dân tham gia làm đường tại hẻm 181/1 Quang Trung.

Kế hoạch là vậy, nhưng vận động nhân dân đóng góp với số tiền lớn không phải dễ. Với kinh nghiệm trên 30 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố, ông Nguyễn Thanh hiểu rằng muốn vận động được người dân trước hết phải được người dân tin tưởng, mọi hoạt động phải xuất phát từ lợi ích của chính người dân, đồng thời cán bộ phải làm hết trách nhiệm, không toan tính, vụ lợi. Cấp ủy, Ban tự quản tổ dân phố 7 đã thuyết phục được người dân nhờ  thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Việc làm đường được đưa ra bàn bạc công khai tại cuộc họp toàn thể tổ dân phố và toàn bộ các hộ dân đều đồng tình nhất trí cao. Tại cuộc họp, người dân đã công khai bầu Ban làm đường, Ban giám sát công trình và bàn bạc về mức đóng góp, phương thức làm đường. Theo đó, để tiết kiệm kinh phí, bà con quyết định không thuê nhà thầu mà tự tính toán chi phí, sau đó cũng chính người dân trong tổ dân phố đứng ra hợp đồng với công ty trộn bê tông tươi đến đổ. Người nào biết làm thì tham gia trực tiếp san, gạt bê tông, người không biết làm thì giám sát. Thế là việc bê tông hóa các con đường được tiến hành nhanh, gọn, không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và đặc biệt là giá thành không quá tốn kém. Tại hẻm 19 Đinh Công Tráng và hẻm 181/1 Quang Trung, con đường với chiều dài 240m, chiều rộng từ 3 đến 4m vừa được hoàn thành với trị giá trên 80 triệu đồng, trong đó UBND phường Tân Tiến hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại là nhân dân đóng góp. Sau khi công trình hoàn thành, ban làm đường đã tổng hợp chi phí, niêm yết công khai các khoản thu - chi và trả lại tiền thừa cho người dân. Người dân trong tổ dân phố rất phấn khởi và nhận thấy đây là một việc làm thực sự dân chủ, công khai của cán bộ tổ dân phố mà không phải đơn vị nào cũng làm được.

Ngoài đường vào 2 hẻm đã hoàn thành nói trên, đường vào 3 con hẻm còn lại dự kiến sẽ được thi công vào đầu năm 2014 với phương thức làm tương tự. Không chỉ tích cực đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, vừa qua người dân tổ dân phố 7, phường Tân Tiến còn đóng góp trên 50 triệu đồng mua 20 bộ bàn ghế, 60 cái ghế nhựa, 1 bục nói chuyện và một bàn thờ Bác bằng gỗ để trang bị cho hội trường khối.

 Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.