Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp văn hóa dân tộc Thái ở Ya Tờ Mốt

15:03, 26/08/2017

Đã hơn 20 năm sinh sống trên quê hương mới Ea Súp, nhưng một số gia đình đồng bào dân tộc Thái ở xã Ya Tờ Mốt vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Văn Cừ, Bí thư Đảng ủy xã Ya Tờ Mốt cho biết, khoảng 40% dân số của xã là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống ở 4 thôn: 9, 10, 11 và 12; hầu hết họ đều di cư từ huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến.

Hoàn thành mùa vụ, chị Vi Thị Sử (thôn 12) lại cần mẫn kéo sợi, dệt vải bên khung cửi gia đình. Với người phụ nữ dân tộc Thái như chị, ngay từ khi còn bé đã được bà, mẹ truyền lại nghề kéo sợi, dệt vải; và từ rất lâu, nó trở thành việc không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Trên vùng quê mới Ya Tờ Mốt, mong muốn nghề kéo sợi, dệt vải của dân tộc mình không bị mai một, bố mẹ chồng chị Sử đã dày công tạo khung cửi, trồng bông để gia đình có thêm nguyên liệu dệt nên các sản phẩm truyền thống.

Công việc quay sợi, dệt vải của phụ nữ dân tộc Thái ở xã Ya Tờ Mốt.
Công việc quay sợi, dệt vải của phụ nữ dân tộc Thái ở xã Ya Tờ Mốt.

Không riêng gia đình chị Sử, ở xã Ya Tờ Mốt, hầu hết trang phục truyền thống của người Thái đều được dệt từ sợi bông. Chuỗi công đoạn để hình thành một sản phẩm khá lâu, thường trải qua các bước: bông sau thu hoạch sẽ được phơi khô, sau đó đem cán hạt; sợi bông tách ra từ hạt sẽ được dập cho mịn, tơi xốp, rồi lăn thành những con bông…

Nếu trước đây bà con thường tạo màu cho vải thô bằng cách dùng nghệ, lá chàm, cánh kiến… thì hiện nay, hầu hết lại chọn cách nhuộm phẩm màu. Từ đôi bàn tay khéo léo và trí sáng tạo, những thớ vải thô được chị em dân tộc Thái điểm màu, tạo hình, hoa văn thành nhiều sản phẩm độc đáo, đẹp mắt. 

Cùng với nghề kéo sợi, dệt vải, ở Ya Tờ Mốt, còn có những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái, dù đã được xây dựng cách tân, có thay đổi ít nhiều, nhưng vẫn trên cơ sở gìn giữ, phát triển nét kiến trúc đặc trưng.

Vào lập nghiệp ở Ya Tờ Mốt đã lâu, nhưng gia đình ông Vi Viết Hội (thôn 9) gần như vẫn giữ được ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào mình. Ngôi nhà được làm bằng gỗ chắc chắn, mái lợp ngói (trước đây lợp lá cọ), sàn nhà làm bằng tre luồng; đây là nơi sinh sống của một gia đình với nhiều thế hệ. Ông kể lại, năm 1999, để làm được ngôi nhà, ngoài chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, gia đình ông còn nhận được sự giúp sức nhiệt tình của bà con trong thôn. Nhờ vậy chỉ sau hơn nửa tháng xây dựng, căn nhà với 4 gian chính đã dần hình thành.

Không riêng gia đình ông Hội, với bà con dân tộc Thái, tùy vào quy mô ngôi nhà, gia chủ sẽ xây dựng tương đương số lượng cửa ít hay nhiều. Có một điều đặc biệt, dù làm nhà lớn hay nhỏ, người Thái đều xây dựng tổng các bậc cầu thang, cửa ra vào, cửa sổ theo số lẻ. Họ luôn tâm niệm rằng, theo quy luật vào – ra – vào thì của cải không thể đi ra ngoài, nhờ đó gia đình luôn ấm êm, đoàn tụ, hạnh phúc.

Sàn nhà người Thái thường được xây dựng cao tầm 2 mét, trước đây gầm sàn là nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm, chứa củi thì nay dùng để các vật dụng sinh hoạt, phương tiện. Do vật liệu xây dựng tăng giá mà nhu cầu sử dụng ngày càng cao nên một số gia đình xây tường, biến tấu gầm sàn thành gian sinh hoạt, tiếp khách. 

Ngoài các nét văn hóa đặc trưng nói trên, một số gia đình dân tộc Thái ở Ya Tờ Mốt hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc: múa sạp, đánh chiêng, đánh khua luống, uống rượu cần… thể hiện tính cách, người Thái chân chất, chăm chỉ, cần cù.

Hiện nay, chính quyền xã Ya Tờ Mốt đã có nhiều biện pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Thái. Ông Nguyễn Văn Cừ chia sẻ thêm thông tin: Mới đây, chúng tôi đã vận động bà con đóng góp kinh phí mua 1 bộ chiêng và làm lễ khai chiêng trong niềm vui, phấn khởi của bà con các thôn. Cũng dịp này, địa phương đã làm lễ ra mắt các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Từ đây, các nghệ nhân lớn tuổi sẽ truyền lại những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc để thế hệ kế cận tiếp nối, bảo tồn và phát huy.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.