Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp
Sau Đại hội VI của Đảng, chính sách pháp luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) đã có những bước đổi mới căn bản.
Theo đó, tổ chức bộ máy thực thi hai chính sách này được thành lập và sáp nhập, đáp ứng yêu cầu được giao trong tình hình mới. Những bước đổi mới, phát triển về chính sách, pháp luật gắn liền với sự ra đời, phát triển của tổ chức BHXH, BHYT đã đặt ra những yêu cầu cần thiết, cấp bách phải thực hiện truyền thông để cán bộ, nhân dân, nhất là đối tượng tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT hiểu biết, chấp hành.
Nhân viên Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả BHXH huyện M'Đrắk cấp đổi thẻ BHYT cho người dân. Ảnh: N. Xuân |
Có thể thấy trong từng giai đoạn phát triển, Đảng ta luôn coi trọng công tác truyền thông giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. |
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện, đồng thời chú trọng tăng cường công tác truyền thông về các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến mọi tầng lớp nhân dân. Sự ra đời của Chỉ thị 15-CT/TW ngày 26-5-1997 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH” đã nêu rõ “Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương hướng dẫn các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đúng về ý nghĩa của BHXH, động viên mọi người tích cực và chủ động tham gia công tác BHXH”. Chỉ thị 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” tiếp tục xác định vai trò to lớn của công tác tuyên truyền và yêu cầu trong tuyên truyền nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, đề cao nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân trong tham gia BHYT. Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” một lần nữa xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết về bảo đảm an sinh xã hội là bảo đảm thông tin cho mọi người dân. Tiếp đó, ngày 22-11-2012 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”, trong đó đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách BHXH, BHYT.
Tuy vậy, trong thời gian qua công tác truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ở một số địa phương, công tác truyền thông chưa đa dạng, chưa thường xuyên liên tục, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, việc tổ chức thực hiện chưa có tính chiến lược, đôi khi còn thụ động, lúng túng, xử lý tình huống sự vụ… Công tác phối hợp trong hệ thống chưa thật sự chặt chẽ, thiếu đồng bộ; phương pháp thực hiện còn thiếu tính chuyên nghiệp, chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông xã hội, còn bị chi phối bởi các nghiệp vụ chuyên môn khác, đa số các tỉnh chưa thành lập phòng truyền thông, cán bộ truyền thông còn kiêm nhiệm…
Bảo hiểm xã hội TP Buôn Ma Thuột tuyên truyền chính sách BHYt hộ gia đình cho người dân buôn Ju xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột). |
Trước tình hình đó, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 96/NQ-BCS ngày 14-8-2017 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới” với mục tiêu khắc phục những hạn chế, tồn tại, tổ chức hiệu quả công tác truyền thông, phát huy vai trò tích cực, chủ động, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN… Để đạt được mục tiêu đề ra, Nghị quyết đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong toàn ngành đối với công tác truyền thông BHXH, BHYT; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ truyền thông; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư; chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin, dư luận; tổ chức hiệu quả truyền thông xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả truyền thông của cơ quan báo chí, trang điện tử trong ngành; nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của cán bộ, nhân dân.. góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội, để chính sách BHXH, BHYT xứng đáng là hai trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Nguyễn Thị Xuân
(Phó Giám đốc BHXH tỉnh)
Ý kiến bạn đọc