Multimedia Đọc Báo in

Xã Yang Mao (huyện Krông Bông): Vẫn ngổn ngang sau bão

13:16, 08/01/2018

Dù bão số 12 đã qua hơn 2 tháng nhưng hiện nay ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông) vẫn còn hàng chục gia đình mất nhà phải đi ở nhờ nhà người quen hoặc ở trong những căn lều tạm; hàng trăm ngôi nhà chỉ mới được sửa chữa tạm bợ vì điều kiện quá khó khăn.

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Ama Ven (56 tuổi) ở buôn Kuanh được hỗ trợ xây dựng từ Chương trình 167. Bão số 12 quét qua khiến ngôi nhà chỉ còn trơ lại bộ khung. Vợ chồng ông Ama Ven phải nhờ bà con trong buôn giúp dựng tạm căn lều để ở. Hai đứa con gái lấy chồng gần đó nhà cũng bị sập, chưa có điều kiện làm lại nên cũng đang phải ở tạm bợ như bố mẹ.

Cách đó khoảng 300 m, gia đình anh Y Bum Niê còn cám cảnh hơn. Tích cóp mãi cùng với vay mượn thêm, vợ chồng anh mới làm được ngôi nhà gỗ và dọn vào ở hơn 2 năm, vẫn chưa trả hết nợ xây nhà. Bão tràn qua, ngôi nhà vất vả lắm mới có được giờ chỉ còn lại đống đổ nát; bàn ghế, ti vi, đồ đạc bố mẹ để lại cũng bị hỏng hết. Vườn cà phê với diện tích 4 sào cũng bị gãy đổ, mất luôn nguồn thu nhập chính của gia đình. Sau bão, gia đình Y Bum được một số tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ 14 triệu đồng song số tiền đó không đủ để anh dựng một ngôi nhà mới. Anh Y Bum tâm sự: “May bão đổ bộ vào lúc trời sáng nên vợ chồng, con cái còn kịp chạy ra ngoài nên không ai bị sao. Giờ không còn nhà để ở, phải ở nhờ nhà người quen. Do gia đình đã nợ nhiều nên giờ vay mượn tiếp rất khó, không biết đến khi nào mới làm lại được căn nhà mới chắc chắn để ở”.

Căn lều tạm của gia đình ông Ama Ven (buôn Kuanh, xã Yang Mao).
Căn lều tạm của gia đình ông Ama Ven (buôn Kuanh, xã Yang Mao).

Buôn Ea Chố có 85 hộ đồng bào M’nông thì có đến 49 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo. Cơn bão số 12 khiến 31 nhà bị tốc mái và 16 nhà bị sập hoàn toàn. Đến nay, trong buôn vẫn còn 7 hộ đang đi ở nhờ vì không có điều kiện làm lại nhà mới. Ông Ama Phi Líp, Trưởng buôn Ea Chố nói: “Người dân trong buôn chỉ có ít đất ven suối và ở trên đồi cao. Trận bão và lũ vừa qua, diện tích đất và hoa màu gần suối đã bị trôi hoặc bị đất, đá, cây cối vùi lấp. Từ nay đến cuối năm, bà con chẳng còn gì để thu hoạch nên số người dân bị đói trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và thời gian giáp hạt sẽ rất nhiều. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong buôn chắc chắn sẽ tăng lên. Việc làm lại nhà mới và sửa sang nhà bị hư hỏng đang được bà con tiến hành nhưng gặp rất nhiều khó khăn nếu không có sự hỗ trợ”.

Bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 12 vừa qua là người dân ở buôn Tar. Nằm ngay trong luồng bão đi qua nên 47 ngôi nhà trong buôn đều bị gió làm đổ, tốc mái và hư hỏng, trong đó có 15 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Đa số người dân trong buôn đều thuộc diện nghèo và cận nghèo nên việc xây dựng lại nhà cửa gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn còn một số nhà chưa thể xây dựng lại và chưa được sửa chữa.

Ngôi nhà của anh Y Bum Niê (buôn Kuanh) giờ chỉ còn lại đống đổ nát.
Ngôi nhà của anh Y Bum Niê (buôn Kuanh) giờ chỉ còn lại đống đổ nát.

Thời gian qua, đã có nhiều ngôi nhà của người dân xã Yang Mao được sửa chữa và dựng lại từ sự chung tay của các lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên, sự sẻ chia của những tấm lòng thiện nguyện và nỗ lực của người dân… Theo thống kê, xã Yang Mao đã nhận được sự hỗ trợ về tiền, nhu yếu phẩm từ các tổ chức, cá nhân trị giá hơn 2 tỷ đồng; 27,6 tấn gạo được cấp phát; hỗ trợ kinh phí làm mới 9 ngôi nhà. Huyện ủy Krông Bông cũng đã trích hỗ trợ mỗi gia đình có nhà bị sập 1 triệu đồng từ chương trình “Tiết kiệm làm theo lời Bác”…

Tuy nhiên, hiện việc khắc phục hậu quả của cơn bão vẫn còn nhiều khó khăn do người dân ở đây đa số là hộ nghèo và cận nghèo, địa phương không có kinh phí hỗ trợ, một số người dân lại có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Ông Trần Mậu Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao cho biết: “Hiện nay vẫn còn hàng chục gia đình chưa có điều kiện dựng lại nhà để ở; nhiều hộ thiếu giống, thiếu phân đầu tư sản xuất vụ đông xuân. Địa phương đã tổng hợp số liệu thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra trên địa bàn xã và gửi lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ”. 

Tùng Lâm       


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.