Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa phong trào thi đua "Hai giỏi"

07:33, 29/04/2018

Hưởng ứng phong trao thi đua “Giỏi việc nước – đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, ngành Giáo dục đã cụ thể hóa thành phong trào thi đua “Giỏi việc trường – đảm việc nhà”. Qua đó, các giáo viên, đoàn viên nữ đã cố gắng, nỗ lực vẹn toàn công - tư, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) nhiều năm liền là một trong những đơn vị điển hình của ngành Giáo dục trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”. Cô Nguyễn Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết, thực hiện phong trào thi đua “Hai giỏi”, ngay từ đầu các năm học, Ban Chấp hành Công đoàn chủ động tham mưu với chuyên môn phát động thi đua, hướng dẫn đoàn viên đăng ký chỉ tiêu cụ thể gắn với nhiệm vụ được giao, lồng ghép với các phong trào như: “Hai tốt”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Đồng thời tổ chức thao giảng, dự giờ, các buổi chuyên đề, tiết học tốt, khuyến khích giáo viên sử dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học… Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu.

Là Tổ trưởng Tổ Sử - Giáo dục công dân, cô Phan Thị Thúy luôn trăn trở làm sao để học sinh yêu thích, quan tâm hơn đến việc học tập môn Lịch sử. Dựa trên kế hoạch của nhà trường và Công đoàn, hằng năm cô đều động viên các giáo viên trong tổ tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, sử dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm. Năm học 2016-2017, cô đã viết sáng kiến kinh nghiệm “Sử dụng bản đồ tư duy vào dạy bài 8, tiết 9 tổng kết lịch sử thế giới cận đại” và đoạt giải A cấp ngành. Sáng kiến này cũng được cô áp dụng cho nhiều bài học khác. Nhờ vậy, học sinh đã hào hứng hơn với môn lịch sử, trên 85% học sinh đạt điểm tổng kết trên trung bình, 6 học sinh đoạt giải tại các cuộc thi môn Lịch sử. Bản thân cô được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp. Bên cạnh “giỏi việc trường”, cô Thúy còn chu toàn việc gia đình, chăm sóc, dạy dỗ hai con ngoan, học giỏi.

Cô Phan Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) luôn phát huy tính chủ động  của học sinh trong giờ học môn Lịch sử.
Cô Phan Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) luôn phát huy tính chủ động của học sinh trong giờ học môn Lịch sử.

Không chỉ ở Trường THPT Lê Quý Đôn, phong trào thi đua “Hai giỏi” đã lan tỏa trong toàn ngành giáo dục Đắk Lắk và mỗi cấp học, đơn vị, địa phương đều có những tấm gương điển hình. Chẳng hạn như các cô: Lê Thị Thảo Dịu (Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk), Vũ Lan Hương (Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk), Lê Thị Thanh Diệp (Trường Trung cấp Đắk Lắk), Phạm Thị Giang Thanh (Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Ea H’leo); Võ Đăng Mỹ Hảo (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, huyện M’Đrắk), Nguyễn Thị Tuyết Lan (Trường THPT Phan Đình Phùng, huyện Krông Pắc)…

Cô H’Nhin Ông, giáo viên Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) tận tình dạy dỗ học sinh.
Cô H’Nhin Ông, giáo viên Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) tận tình dạy dỗ học sinh.

Chị Nguyễn Thị Hải Hường, Trưởng Ban nữ công, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh cho biết, toàn ngành hiện có 2.680 nữ cán bộ, nhà giáo, lao động. Thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” gắn với 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, Công đoàn ngành Giáo dục đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn phát động các phong trào thi đua như: “Dạy tốt, học tốt”, viết sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học, thi giáo viên dạy giỏi các cấp, tuyên truyền các cá nhân, tập thể điển hình… Trong 5 năm (2012-2017), toàn tỉnh có 1.525 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của nữ cán bộ, nhà giáo đạt giải và hầu hết được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, công tác; 364 giáo viên nữ đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 3 nữ nhà giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc. Đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp giảng dạy, sẵn sàng vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục đã quán xuyến công việc, vun vén cho tổ ấm gia đình, thực hành tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, làm thêm tăng thu nhập, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, quan tâm chăm sóc, nuôi dạy con tốt.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.