Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giúp dân xóa nhà tạm ở Dang Kang

08:59, 03/04/2018

Với mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát gắn với việc hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Dang Kang (huyện Krông Bông) đã tập trung lồng ghép các chương trình, dự án giúp các hộ nghèo có nhà ở, ổn định cuộc sống.

Trong tiết trời oi ả của những ngày cuối tháng ba, chúng tôi có dịp đến thăm một số ngôi nhà trên địa bàn xã Dang Kang được hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 167 của Chính phủ. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, bà H Luân Byă, ở buôn Cư Ênun A không giấu được niềm xúc động. Gia đình đông con lại không có đất canh tác nên thu nhập chính của cả gia đình chỉ trông chờ vào việc làm thuê của hai vợ chồng không có điều kiện làm nhà mới. Năm 2017 được chính quyền địa phương hỗ trợ 30,5 triệu đồng, cùng với số tiền dành dụm lâu nay, gia đình bà H Luân đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, diện tích 40 m2. Đây chính là nguồn động viên to lớn để những người có hoàn cảnh khó khăn như bà có thể vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bà H Luân Byă, ở buôn Cư Ênun A bên ngôi nhà mới.
Bà H Luân Byă, ở buôn Cư Ênun A bên ngôi nhà mới.

Rời buôn Cư Ênun A, men theo con đường nhỏ, dốc, chúng tôi tìm đến gia đình anh Y Yăm Niê ở buôn Cư Kô Êmông. Được biết, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã, bản thân anh sức khỏe yếu, vợ lại không có việc làm ổn định nên trước đây cả gia đình phải tá túc, chen chúc trong căn nhà ván dột nát. Anh Y Yăm thổ lộ: “Trước đây mỗi khi trời mưa là nhà dột khắp nơi, có khi gió lớn tôi không dám ở nhà phải qua nhà hàng xóm trú tạm. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ làm nhà mọi sinh hoạt của gia đình thuận tiện hơn rất nhiều, con cái có chỗ ngăn nắp để học tập nên vợ chồng mình cũng yên tâm dành nhiều thời gian để phát triển kinh tế, phấn đấu thoát khỏi đói nghèo để trả nợ ngân hàng đúng thời hạn”.

Không chỉ riêng gia đình bà H Luân, anh Y Yăm mà rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn khác cũng nhận được sự giúp đỡ để xây dựng nhà ở như: anh Y Philip Kpơr, Y Lam Êban ở buôn Cư Ênun B, chị Y Hợp Niê, H Jih Niê ở buôn Cư Păm... Chỉ tay về phía ngôi nhà vừa mới được xây dựng ven đường, ông Y Nghĩa Byă, trưởng buôn Cư Ênun A phấn khởi cho biết, cách đây 3 năm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn phải sống trong những căn nhà dột nát, thiếu an toàn nhưng từ khi được Đảng và Nhà nước hỗ trợ xây nhà diện mạo buôn làng đã thay đổi rất nhiều.

Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 167 nhiều em nhỏ ở xã Dang Kang đã được sống trong những ngôi nhà khang trang.
Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 167 nhiều em nhỏ ở xã Dang Kang đã được sống trong những ngôi nhà khang trang.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Dang Kang, từ nguồn vốn của Chương trình 167, nguồn đóng góp từ các Quỹ "Vì người nghèo”, "Đền ơn, đáp nghĩa”... từ năm 2014 đến nay xã đã xóa được 40 nhà tạm, dột nát với mức hỗ trợ 30,5 triệu đồng/ căn. Trong đó, ngân sách tỉnh, địa phương hỗ trợ 5,5 triệu đồng, người dân được vay thêm 25 triệu đồng, trong thời hạn 15 năm, lãi suất 3%/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm nhà. Với phương châm "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự làm", phần lớn các hộ được hỗ trợ làm nhà đã góp thêm tiền, ngày công để nâng cao chất lượng công trình. Bên cạnh đó, để công tác xóa nhà tạm đạt kết quả cao nhất, xã đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân xây dựng nhà đảm bảo theo yêu cầu “ba cứng”, diện tích từ 30 m2 – 40 m2 theo đúng tiêu chuẩn quy định nhà ở nông thôn mới.

Năm 2018, xã Dang Kang phấn đấu sẽ hỗ trợ xây dựng 15 ngôi nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã. Hiện xã đang triển khai việc gặp gỡ người dân để nắm bắt nhu cầu vay vốn của họ, trên cơ sở đó làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sớm giải ngân kinh phí theo mức quy định để người dân xây dựng nhà mới trước khi mùa mưa đến.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.