Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở Cư M'gar

08:36, 15/08/2018
Trong những năm qua, xã Quảng Tiến được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt mô hình “sinh ít, sinh thưa” ở huyện Cư M’gar.
 
Xã Quảng Tiến hiện có hơn 1.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có 15 cặp sinh con một bề. Nhờ được tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ đã được nâng lên đáng kể, từ đó hầu hết các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều đã lựa chọn cho mình những biện pháp tránh thai phù hợp.
 
Đến nay, toàn xã có hơn 1.000 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai (đạt tỷ lệ hơn 76,78%). Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở xã luôn được duy trì ở mức thấp, đơn cử như trong 43 trẻ sinh ra từ đầu năm 2018 đến nay thì chỉ có 2 trẻ là con thứ ba trở lên. Đặc biệt, có địa bàn đã hơn 7 năm nay không có người sinh con thứ ba trở lên.
 
Chị Phan Thị Tâm (phải), cộng tác viên dân số thôn Tiến Phát tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho phụ nữ trong thôn.
Chị Phan Thị Tâm (phải), cộng tác viên dân số thôn Tiến Phát tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho phụ nữ trong thôn.
Chị Nguyễn Thị Xuân Phương, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Quảng Tiến cho biết: “Hằng năm, ngoài tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, các chi, tổ hội, câu lạc bộ…, chúng tôi còn đến tận các hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiên trì phân tích cho từng đối tượng hiểu rõ những tác động, hệ quả của việc sinh nhiều, sinh dày và sinh con theo ý muốn bằng cách đưa ra những tấm gương, ví dụ cụ thể. Chính những tấm gương người thật, việc thật đó đã tác động đến mỗi người dân, làm thay đổi nhận thức của họ. Nhờ vậy, tình trạng sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn xã đã giảm mạnh, nhiều gia đình dù sinh con một bề nhưng cũng không sinh thêm mà tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái”. 
 
Gia đình chị Hồ Thúy Vân và anh Hồ Ngọc Trung ở thôn Tiến Phát là một trong những hộ gương mẫu trong việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ. Ý thức được hệ quả của việc sinh đông con, năm 2005 sau khi sinh đứa thứ hai vợ chồng chị Vân đã quyết định thực hiện kế hoạch hóa. Nhờ sinh ít, sinh thưa nên vợ chồng chị không chỉ có điều kiện chăm sóc con cái học hành đầy đủ mà còn phát triển kinh tế gia đình.
 
Chị Vân tâm sự: “Chồng lái xe ô tô, tôi thì mở lớp giữ trẻ, bình quân mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Mẹ chồng tôi cũng khuyên nên sinh thêm con nhưng tôi đã khéo léo tâm sự, chia sẻ với mẹ chồng, phân tích để bà hiểu “dù trai hay gái chỉ hai là đủ”, nếu chỉ hai con thì mình sẽ lo học hành, tương lai của con tốt hơn, nuôi thêm đứa nữa thì kinh tế sẽ hạn hẹp. Cuối cùng mẹ chồng tôi cũng đã hiểu và đồng ý với quan điểm của vợ chồng tôi”.
 
Sinh ít con nên các cặp vợ chồng có điều kiện chăm lo cho con cái và có thời gian phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền, xây dựng được nhà cửa khang trang… Hiện Quảng Tiến đang là một trong 11 xã của huyện đạt chuẩn tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
 
Trung Dũng
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.