Multimedia Đọc Báo in

Gắn dạy nghề với xây dựng mô hình hành nghề

08:49, 09/08/2018

Trong những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Krông Ana đã có nhiều cách làm thiết thực để giúp đỡ những học viên có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trên địa bàn cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo.

Chị Phương Châu Quỳ (TDP 4, thị trấn Buôn Trấp) là một trong những học viên được Trung tâm GDNN-GDTX huyện hỗ trợ xây dựng thành công mô hình trồng nấm để phát triển kinh tế gia đình. Sau 1 năm gắn bó với nghề trồng nấm, nguồn thu nhập của gia đình chị đã được cải thiện đáng kể. Gia đình chị Quỳ vốn là hộ cận nghèo, kinh tế của cả gia đình phụ thuộc vào 1,5 sào đất trồng lúa và từ việc đi làm thuê của vợ chồng chị. Thấy nhiều người trong vùng khá giả lên nhờ trồng nấm, đầu năm 2017 chị Quỳ đã đến Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Ana xin học nghề này. Hơn 3 tháng theo học, chị Quỳ đã thành thạo kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại nấm như nấm rơm, nấm sò đen, bào ngư trắng, linh chi…

Chị Phương Châu Quỳ (TDP 4, thị trấn Buôn Trấp) kiểm tra sự sinh trưởng của nấm.
Chị Phương Châu Quỳ (TDP 4, thị trấn Buôn Trấp) kiểm tra sự sinh trưởng của nấm.

Học xong, từ số tiền 20 triệu đồng mà UBND huyện hỗ trợ, chị Quỳ vay mượn thêm 15 triệu đồng để xây dựng trại trồng nấm rộng 42 m2, với gần 4.000 bịch nấm sò đen và bào ngư trắng. Vận dụng những kiến thức học được cùng với sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các giáo viên nên trại nấm của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 4 tháng, nấm bắt đầu cho thu hoạch. Lứa đầu tiên, chị thu được 8 tạ nấm (6 tạ nấm sò đen, 2 tạ nấm sò trắng) với giá bán từ 15-30 nghìn đồng/kg, thu về hơn 20 triệu đồng. Có vốn, chị Quỳ tiếp tục đầu tư và mở rộng diện tích trồng nấm lên 84 m2.

Chị Quỳ chia sẻ, nhờ trồng nấm mà gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng, chị xuất ra thị trường khoảng 1 tạ nấm các loại, thu lãi từ 3-3,5 triệu đồng, mức thu này đối với nông thôn là tạm ổn. Trong thời gian tới, chị sẽ trồng thêm nấm linh chi để nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Vợ chồng anh Y Tek Buôn Krông (giữa) trong căn nhà mới.
Vợ chồng anh Y Tek Buôn Krông (giữa) trong căn nhà mới.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Ana là một trong những tập thể có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai ở lại phía sau” được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc do UBND tỉnh tổ chức vừa qua.

Tương tự như chị Quỳ, anh Y Tek Buôn Krông (buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp) đã cải thiện kinh tế gia đình sau khi theo học nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Trước đây, không có đất sản xuất, anh Y Tek từng phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Cả gia đình 5 người sống chen chúc trong căn nhà tranh dột nát, mỗi khi nghe tiếng con nhỏ quấy khóc, anh Y Tek luôn ước mơ mình có thể tự xây được căn nhà vững chắc, ấm áp để vợ con bớt khổ. Năm 2016, anh tìm đến Trung tâm để học nghề xây dựng.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, Trung tâm đã tận dụng nguồn nguyên liệu thực hành (cát, gạch, xi măng…) và công học tập của học viên để giúp anh xây nhà, dành toàn bộ số tiền hỗ trợ ăn trưa cho anh mua tôn lợp nhà. Sau hơn 2 tháng vừa học vừa thực hành, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, nhóm xây dựng gồm 12 người đã xây xong căn nhà cấp bốn khang trang rộng 90 m2, giúp gia đình anh có chỗ che mưa che nắng.

Hiện anh Y Tek đã hành nghề xây dựng được hơn 1 năm, với thu nhập từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày, đủ để lo cho vợ con. Ngoài ra, vợ anh là chị H’Crôc Priêng cũng được Trung tâm hướng dẫn cách trồng nấm và hỗ trợ 5.000 bịch phôi để phát triển nghề nấm.

Chị Quỳ, anh Y Tek chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp được Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Ana quan tâm, giúp đỡ trong những năm qua. Ông Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc Trung tâm cho hay, với mong muốn tạo việc làm thường xuyên, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các học viên, bên cạnh việc đào tạo nghề, Trung tâm còn chú trọng đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất điểm cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, buôn để tuyên truyền và giải quyết việc làm bền vững. Những học viên sau khi học xong về làm nghề được cán bộ Trung tâm đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật và sẵn sàng hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ năm 2005 đến nay, Trung tâm đã xây dựng thành công trên 100 mô hình hành nghề sau đào tạo cho học viên ở 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện như: trồng nấm, sửa chữa xe máy, chăn nuôi, tổ hợp xây dựng… Mỗi mô hình tạo việc làm cho từ 2-10 lao động với thu nhập bình quân từ 3-12 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ sửa chữa, xây nhà, các công trình phụ cho học viên và người dân trên địa bàn từ nguồn nguyên liệu thực hành và nhân lực của các lớp học. Trong quá trình đào tạo, học viên đã thực hành nghề xây tặng 2 sân bóng chuyền với tổng giá trị khoảng 80 triệu đồng, 15 căn nhà cho học viên nghèo, hỗ trợ gần 1.000 ngày công xây dựng 6 nhà Đại đoàn kết, 10 nhà trồng nấm, 2 nhà vệ sinh, 7 bể ủ rơm và 4 chuồng heo; sửa chữa miễn phí trên 500 chiếc xe máy cho người dân ở 9 buôn, tặng trên 2.000 bộ quần áo cho học sinh nghèo, khuyết tật, dân tộc thiểu số của 15 trường mầm non, tiểu học và 18 thôn, buôn…

Tuyết Mai

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.