Huyện M'Đrắk nỗ lực phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
09:27, 16/08/2018
Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện M’Đrắk đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần tích cực vào công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Mặc dù chỉ làm nông nghiệp, nhưng hằng tháng vợ chồng anh Phạm Văn Trưởng (35 tuổi, ở thị trấn M’Đrắk) đều dành ra một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 500.000 đồng/người/tháng.
Anh Trưởng cho biết: Qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp của đại lý thu BHXH, BHYT ở địa phương, tôi thấy được việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp bảo đảm thu nhập khi không còn tuổi lao động, đỡ gánh nặng kinh tế cho con cái về sau. Vì thế, vợ chồng tôi tự nguyện tham gia. Ban đầu do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tôi mua BHXH tự nguyện cho vợ trước, mua cho bản thân sau. Đến nay vợ tôi đã tham gia được 5 năm rồi, còn tôi mới tham gia được hơn 2 tháng nay.
Để thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện như vợ chồng anh Trưởng, thời gian qua, BHXH huyện M’Đrắk đã tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể tại địa phương tổ chức tuyên truyền lồng ghép, đối thoại trực tiếp cho người dân hiểu về quyền lợi, ý nghĩa khi tham gia BHXH tự nguyện; gửi văn bản với nội dung tuyên truyền về BHXH tự nguyện đến các đơn vị sử dụng lao động, các đơn vị hành chính trên địa bàn huyện để cán bộ, công chức viên chức tìm hiểu và lựa chọn tham gia cho người thân trong gia đình.
Cùng với đó, BHXH huyện còn phát triển hệ thống đại lý thu BHXH tại các xã, thị trấn và đại lý Bưu điện, đồng thời giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý để tạo sự cạnh tranh trong hoạt động. Đặc biệt, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền của hệ thống đại lý thông qua hình thức truyền thông trực tiếp đến tận hộ gia đình.
Bà Hồ Thị Thu Nga (bìa phải), đại lý thu BHXH tự nguyện của thị trấn M’Đrắk tuyên truyền cho người dân về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. |
Bà Hồ Thị Thu Nga, một đại lý thu BHXH tự nguyện của thị trấn M’Đrắk cho biết: “Khi đến tuyên truyền tại hộ dân, tôi luôn tư vấn để người dân nhận thức được quyền lợi sát sườn khi tham gia loại hình này, vì BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người dân được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định: được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc”.
Nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền cả trên phương tiện thông tin đại chúng lẫn truyền thông trực tiếp, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện ngày một tăng lên. Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã vận động được 212 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và là một trong số những địa phương có số người tham gia cao trong toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyên, Giám đốc BHXH huyện M’Đrắk, để có được kết quả trên là nỗ lực không nhỏ của cán bộ, nhân viên trong ngành. Bởi M’Đrắk là một huyện nghèo, toàn huyện có 13 đơn vị hành chính nhưng có tới 11 đơn vị nằm trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; hơn 50% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập của người dân chủ yếu là hoa màu, đời sống kinh tế bấp bênh. Mặt khác, tham gia BHXH tự nguyện đòi hỏi phải có thời gian dài trên 20 năm mới được hưởng chế độ nên nhiều người dân dù rất muốn nhưng không đủ điều kiện kinh tế để tham gia.
Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già. Vì vậy, để thu hút người dân và lao động trên địa bàn huyện tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, BHXH huyện M’Đrắk sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện đến tất cả mọi người dân và có hình thức tuyên truyền phù hợp đến từng đối tượng để nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, đề cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ trong việc tiếp dân, xử lý, giải đáp các vấn đề cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận, tham gia.
Theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18-2-2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 1-1- 2018, người đang đóng hoặc bắt đầu đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần. Cụ thể, hỗ trợ 30% tiền đóng hằng tháng cho người tham gia là hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo và 10% với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tùy thuộc vào thời gian tham gia của người mua nhưng không quá 10 năm. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc