Multimedia Đọc Báo in

Đoàn xã Đray Sáp: Dấu ấn công tác an sinh xã hội

08:28, 17/09/2018

Là xã nghèo của huyện Krông Ana, trong những năm qua Đoàn xã Đray Sáp đã huy động nhiều nguồn lực để giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách, hỗ trợ đoàn viên thanh niên khó khăn phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống.

Nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tiếp cận được với các ngành nghề, chương trình đào tạo nghề giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm, hằng năm Đoàn xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tiến hành rà soát nhu cầu học nghề, việc làm của thanh niên nông thôn để tổ chức tư vấn và mở các lớp dạy nghề xây dựng và nấm rơm... Đây là những nghề đang phát huy hiệu quả, giải quyết được nhiều việc làm cho nhiều người dân tại địa phương.

Không dừng lại ở đó, những năm gần đây Đoàn xã đã chủ động phối hợp với trang trại nuôi dê của anh Nguyễn Văn Thủy – là thanh niên làm kinh tế giỏi ở thôn Đoàn Kết để hỗ trợ con giống, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho 4 thanh niên, góp phần tăng thu nhập và giúp họ có thêm kinh nghiệm chăn nuôi. Từ năm 2018 trở đi, Đoàn xã sẽ đồng hành cùng những hộ gia đình là hộ nghèo, đăng ký mỗi năm phấn đấu hỗ trợ, giúp đỡ cho 2 hộ thanh niên thoát nghèo bền vững.

Căn nhà lụp xụp của vợ chồng anh Đặng Ngọc Anh (thôn Đoàn Kết) được Đoàn xã kêu gọi hỗ trợ xây dựng lại.
Căn nhà lụp xụp của vợ chồng anh Đặng Ngọc Anh (thôn Đoàn Kết) được Đoàn xã kêu gọi hỗ trợ xây dựng lại.

Bên cạnh quan tâm đến đào tạo nghề, Đoàn xã Đray Sáp còn là cầu nối cho nhiều chương trình thiện nguyện trên địa bàn. Trong năm 2017, Đoàn xã đã rà soát, hỗ trợ làm hồ sơ cho 15 người có hoàn cảnh khó khăn đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (TP. Hồ Chí Minh) mổ miễn phí các bệnh tim, cột sống, thoát vị đĩa đệm… (mỗi ca trên dưới 100 triệu đồng) cho những người mắc bệnh, nhưng không có điều kiện chữa chạy.

Đến nay đã có 6 người được mổ thành công. Một trong các trường hợp này là bà Ngô Thị Phương (thôn Đoàn Kết) bị trượt đốt sống, thoái hóa cột sống nhiều năm nay, đi lại, sinh hoạt rất khó khăn, chồng lại mất sớm. Bao năm chạy chữa, thuốc thang, nhưng bệnh tình không đỡ mà ngày càng nặng thêm. Đoàn xã đã đến thăm hỏi, làm hồ sơ cho bà đi khám chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh. Sau 2 tháng được mổ, bà Phương có thể đi lại dễ dàng hơn, làm các công việc nhẹ trong nhà, điều đó như mở thêm cánh cửa mới trong cuộc sống của bà và gia đình.

Mới đây, Đoàn xã biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình vợ chồng anh Đặng Ngọc Anh, chị Lê Thị Hiền (thôn Đoàn Kết). Gia đình anh Anh là hộ nghèo của thôn, 5 nhân khẩu phụ thuộc vào mảnh vườn nhỏ, sống tạm bợ trong căn nhà lụp xụp, mục nát của ông bà để lại. Hằng ngày 2 vợ chồng phải đi làm thuê để có thêm thu nhập, nuôi con ăn học. Đầu năm 2017, anh Anh phát hiện bị bệnh ung thư phổi, đều đặn nửa tháng anh phải đi TP. Hồ Chí Minh điều trị một lần, gia đình vốn khó khăn nay lại chồng chất khó khăn. Đoàn xã đã kêu gọi, vận động các mạnh thường quân ở khắp nơi hỗ trợ gia đình anh Anh được hơn 35 triệu đồng để xây dựng lại căn nhà, dự kiến sẽ khởi công trong tháng 9 này để giúp gia đình anh vơi bớt phần nào nỗi lo cơm áo.

Anh Phạm Bá Nguyên (Bí thư Đoàn xã Đray Sáp) cho biết, từ đầu năm đến nay, Đoàn xã đã huy động được gần 1 tỷ đồng hỗ trợ cho các chương trình, hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, góp phần giúp các đoàn viên, thanh niên, gia đình khó khăn tại xã từng bước ổn định cuộc sống.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.