Multimedia Đọc Báo in

Những "đầu tàu" ở cơ sở

07:49, 04/09/2018

Là những người gần gũi với nhân dân, được tín nhiệm giao đảm trách các công việc ở cơ sở, những đảng viên ở vùng sâu, vùng xa của huyện Ea Kar đã phát huy vai trò “đầu tàu gương mẫu” trong các phong trào ở địa phương.

Trưởng công an xã tận tụy vì dân

Được tín nhiệm giao trọng trách Trưởng Công an xã Ea Ô – một địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, giáp ranh với nhiều xã khác; kinh tế - xã hội phát triển mạnh, nhiều năm qua, anh Bùi Trọng Lực đã phát huy vai trò của đảng viên, người đứng đầu trong công tác bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Ea Ô là địa bàn rộng, gồm 21 thôn, có hơn 2.800 hộ, gần 12.000 khẩu với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, có gần 60 trường hợp đã chấp hành xong án phạt tù trở về và hơn 20 đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã. Để giữ vững an ninh trật tự địa phương, năm 2011, anh Lực đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã thành lập mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở 21 thôn, sử dụng kẻng vào mục đích khuyến học, báo yên, báo thức, báo họp, báo động, góp phần giảm hẳn các vụ trộm cắp vặt, tụ tập, gây rối, đánh nhau trên địa bàn. 

Trưởng Công an xã Ea Ô Bùi Trọng Lực (bìa phải) kiểm tra mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở thôn 13.
Trưởng Công an xã Ea Ô Bùi Trọng Lực (bìa phải) kiểm tra mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở thôn 13.

 Anh Lực tích cực cùng lực lượng Công an xã vận động nhân dân đăng ký, cam kết thực hiện các quy định xây dựng gia đình an toàn về an ninh trật tự; vận động 10 thôn trung tâm xã huy động nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng xây dựng 365 bóng điện thắp sáng giúp người dân đi lại dễ dàng và phòng ngừa tội phạm.  Đồng thời, xây dựng 21 tổ an ninh nhân dân , kiện toàn 114 tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự và 21 tổ hòa giải, 22 đội phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư. Từ năm 2011 đến nay, các tổ hòa giải và đội phòng cháy chữa cháy đã tham gia giải quyết trên 200 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và ngăn chặn kịp thời 1 vụ cháy chợ.

Để tiếp tục củng cố tình hình an ninh trật tự địa bàn, năm 2017, anh Lực đã tham mưu cho UBND xã Ea Ô xây dựng mô hình “Loa tuyên truyền lưu động” dưới sự điều hành của Hội đồng giáo dục pháp luật xã. Các thành viên hội đồng đã tổ chức soạn thảo, xây dựng bản tin tuyên truyền pháp luật, phân công người phụ trách 4 cụm loa lưu động. Mô hình này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân nắm được kiến thức pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, đề cao cảnh giác tự bảo vệ tài sản của mình và giáo dục con em không vi phạm pháp luật.

Không chỉ có nhiều sáng kiến góp phần giữ vững an ninh trật tự địa bàn, anh Lực còn tham mưu cho UBND xã xây dựng mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự”, thành lập quỹ Hoàn lương, đến nay huy động được gần 200 triệu đồng, giải quyết cho 17 trường hợp đã từng lầm lỡ được vay phát triển sản xuất.

Với những đóng góp của mình, Trưởng Công an xã Bùi Trọng Lực đã được UBND huyện Ea Kar, Công an tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen.

Cán bộ phụ nữ vùng sâu năng động

Sau nhiều năm làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn 2, năm 2011, chị Cao Thị Bích được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vùng III Cư Elang. Năng động, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, năm 2013, chị vinh dự được kết nạp Đảng. Nhờ phát huy tốt vai trò người đảng viên, năm 2017, chị Bích được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn 2.

Muốn chị em nghe theo, trước hết mình phải là người tiên phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực, hoạt động, trong đó phải chú trọng phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, sau khi tìm hiểu đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn, tham quan một số mô hình hiệu quả, vợ chồng chị đã dồn lực chăm sóc 2 ha cà phê, cải tạo lại những diện tích đất bạc màu để trồng 350 cây quýt đường. Năm 2014, quýt đường bắt đầu cho thu hoạch, đến nay trung bình thu được trên 100 triệu đồng/năm. Khi có thêm nguồn vốn, chị đầu tư trồng 1 sào tiêu. Mô hình đa dạng hóa cây trồng của gia đình chị đã được nhiều hội viên, người dân trong thôn tham quan, học tập nhân rộng.

Chị Cao Thị Bích tìm hiểu tình hình đời sống của người dân trong thôn.
Chị Cao Thị Bích tìm hiểu tình hình đời sống của người dân trong thôn.

Để củng cố, phát triển tổ chức Hội, thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia sinh hoạt hội, chị Bích đã tham mưu cho Ban Chấp hành Hội tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Trên cơ sở nắm chắc nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của hội viên, Hội Phụ nữ xã đã phát động phong trào thực hành tiết kiệm, giúp nhau ngày công, cây, con giống, xây dựng hũ gạo, heo đất tiết kiệm giúp hội viên khó khăn. Không chỉ huy động hội viên đóng góp các loại quỹ giúp nhau phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 930 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn tín chấp cho hội viên vay trên 12 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng vốn vay. Chị Bích còn tham mưu và cùng Ban Chấp hành xây dựng, triển khai các mô hình “5 không 3 sạch”, “Quản lý, giáo dục con, em, người thân trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “Phòng chống bạo lực gia đình”… tạo “sân chơi” thu hút đông đảo chị em tham gia.

Nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư Elang đã phát triển được gần 170 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn xã lên gần 1.300 chị; hỗ trợ, giúp đỡ trên 120 hội viên thoát nghèo, trong đó có 9 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Các phong trào hoạt động của hội, trong đó có sự đóng góp của chị Cao Thị Bích đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.