Multimedia Đọc Báo in

Về nơi lưu giữ nghề đan chài truyền thống

09:38, 02/09/2018

Chẳng biết từ bao giờ, nghề đan chài của đồng bào Thái ở các tỉnh Tây Bắc đã theo chân những người dân di cư vào thôn 1, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) và được cộng đồng người Thái ở đây lưu giữ dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống.

Bà Lương Thị Phước, Trưởng thôn 1 là một trong những người tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông và có nguồn thu nhập đáng kể từ nghề này. Từ nhỏ đã được bố mẹ dạy đan chài, bà Phước ngày càng say mê và gắn bó với nghề, hiện bà được xem là người đan chài có uy tín nhất ở trong vùng bởi luôn cẩn trọng từng khâu để tạo ra sản phẩm, từ chọn sợi cước đến những nút thắt.

Theo lời kể của bà Phước, nghề đan chài ở đây có từ trước năm 1954, khi đồng bào Thái ở các tỉnh Tây Bắc di cư vào Đắk Lắk lập nghiêp. Những năm tháng mới đến vùng đất Hòa Phú, cuộc sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào nghề đánh bắt cá trên dòng sông Sêrêpôk. Do đó, để phục vụ nghề, nhà nhà trong xóm tự tay đan chài. Sau này, do nhu cầu của người dân nhiều nơi trong tỉnh như ở Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), huyện Krông Ana, Buôn Đôn và Cư Jut (Đắk Nông)… tìm đến đặt mua nên nghề đan chài ở thôn 1 ngày càng phát triển, làng nghề đan chài dần hình thành và lưu giữ đến ngày hôm nay.

Bà Lương Thị Phước giới thiệu các  mẫu chài cho khách đặt mua.
Bà Lương Thị Phước giới thiệu các mẫu chài cho khách đặt mua.
Nghề đan chài không thể mang lại sự giàu có, sung túc nhưng nhiều gia đình vẫn cố giữ nghề truyền thống  để không bị mai một; hơn thế nữa, điều đó còn làm nên nét riêng biệt trong đời sống văn hóa của đồng bào Thái nơi đây.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhiều người dân trong thôn, kể cả lớp trẻ cũng bắt đầu học cách đan chài để tranh thủ nhận làm vào những lúc nông nhàn, mưa gió. Đơn cử như chị Cà Thị Thu Sương, công việc chính hằng ngày là đi làm thuê và chăm sóc ruộng vườn, tuy nhiên, chị vẫn cố gắng học nghề đan chài lưới và tranh thủ thời gian nhận sợi cước về đan thuê kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Tiền công đan chài khoảng 200- 250 nghìn đồng/cái với khoảng thời gian đan tranh thủ từ 7 - 10 ngày.

Hiện thôn 1 có trên 100 người biết đan chài, trong đó có rất nhiều người trẻ, chủ yếu tranh thủ làm thêm vào buổi tối. Nhiều người đan lâu năm đã thuần thục thao tác có thể vừa chăm chú xem tivi, vừa thoăn thoát tay đan mà không hề bị lỗi. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ ở một số cửa hàng chuyên bán chài, lưới ở TP. Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, có một số khách hàng ở các nơi tự tìm đến đặt mua bởi họ biết được tay nghề của nhiều người thợ đan có tiếng như bà Phước.

Bà Lương Thị Phước đang hoàn thiện chiếc chài cho khách.
Bà Lương Thị Phước đang hoàn thiện chiếc chài cho khách.

Với người đan chài ở nơi đây, công việc này không hẳn là để mưu sinh, kiếm thêm thu nhập mà trên hết còn là niềm đam mê gắn bó giữ nghề “cha truyền, con nối” của quê hương. Bởi muốn có chài tốt, người đan không những khéo léo, mà còn phải nhẫn nại, tỉ mỉ chi tiết đến từng sợi đan, nút thắt. Khi đan lưới tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì khó gỡ ra được. Trong quá trình gắn phao và chì, cần phải có kỹ thuật, khéo tay canh sao cho khoảng cách đều nhau, để khi thả lưới đánh bắt cá, gặp dòng nước chảy lưới vẫn không có kẽ hở khiến cá lọt ra ngoài. Giá mỗi cái chài bán ra khoảng 600 - 650 nghìn đồng.

Bà Phước chia sẻ: “Đối với những người sống gần các vùng ao, hồ, suối thì tấm chài, lưới… là cần câu cơm của họ. Còn những người đan chài như chúng tôi thì coi đó như cái nghiệp ăn sâu vào tiềm thức, cái nghề mà ông cha đã để lại cho con cháu. Dù đi đâu cũng mang theo nghề truyền thống với mong muốn lưu giữ lại những giá trị tốt đẹp của cha ông từ xa xưa”.

 Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc