Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN huyện Krông Ana đồng hành cùng phụ nữ nghèo

08:42, 22/03/2019
Để hỗ trợ phụ nữ nông thôn tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Ana đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Trước đây, gia đình bà Vương Thị Lập ở thôn Hòa Tây (xã Ea Bông) thuộc diện hộ nghèo của xã. Đất đai sản xuất ít, trong khi thu nhập từ làm thuê, cuốc mướn rất bấp bênh nên dù hai vợ chồng làm lụng vất vả quanh năm cũng không đủ tiền nuôi con cái ăn học. Năm 2017, bà Lập được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để nuôi bò.
 
Nhờ siêng năng, cần cù lại được chị em hội viên hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc bò nên năm 2018, gia đình bà Lập đã thoát nghèo. Để mở rộng mô hình chăn nuôi, năm 2019, bà Lập mạnh dạn trình bày ý tưởng nuôi heo rừng lai và được Hội LHPN huyện tạo điều kiện cho vay thêm 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp. Hiện tại gia đình bà Lập đang nuôi 67 con heo, 3 con bò, trung bình mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng. Bà Lập chia sẻ: “Quá trình phát triển mô hình chăn nuôi của gia đình tôi luôn gắn liền với Hội LHPN huyện. Nhờ có nguồn vốn vay của Hội những lúc khó khăn, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, có tiền tích lũy mua thêm 2 sào ruộng, giờ đây cuộc sống đã ổn định”. 
 
Bà Trần Thị Khanh ở buôn Ea Kruế (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đang kiểm tra phôi nấm.
Bà Trần Thị Khanh ở buôn Ea Kruế (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đang kiểm tra phôi nấm.
Tương tự, cuộc sống của gia đình bà Trần Thị Khanh ở buôn Ea Kruế (xã Ea Bông) đã bước sang trang mới kể từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và 15 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Với số tiền này bà Khanh quyết định đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà bạt, nguyên liệu và phôi giống sản xuất nấm sò. Sau 2 năm nhận được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện, năm 2018, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo. Đến nay, bà Khanh đã xây dựng được xưởng nấm rộng 100 m 2, trung bình mỗi năm cho thu nhập gần 70 triệu đồng.
 
"Với mục tiêu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ khoảng 50 phụ nữ khởi nghiệp từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và giúp hàng trăm hội viên tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi khác, Hội LHPN huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là phụ nữ vùng sâu vùng xã. Các hoạt động hỗ trợ sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm giúp phụ nữ khởi nghiệp bền vững" - Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana.
 
 

Huyện Krông Ana có hơn 10.000 hội viên phụ nữ, sinh hoạt tại 74 chi hội. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trạm thú y, Trung tâm Dạy nghề… mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan, học tập tại một số mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn chú trọng công tác dạy nghề và phát triển nghề phù hợp với sức lao động của phụ nữ và nhu cầu của thị trường lao động, như: dệt thổ cẩm, may mặc, trồng trọt, chăn nuôi...

Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân hơn 8 tỷ đồng cho hội viên vay vốn, nâng tổng dư nợ lên hơn 86 tỷ đồng. Đồng thời, vận động thành lập các tổ tiết kiệm ở các chi hội để giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn xoay vòng từ 3 - 5 năm đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, Hội LHPN huyện đã xây dựng được 74 tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho 3.340 hội viên nghèo vay. Nhờ những cách làm sáng tạo, hiệu quả trên đã có 185 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn huyện Krông Ana thoát nghèo, trong đó có 88 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
 
 
Như Quỳnh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.