Multimedia Đọc Báo in

Những "bóng hồng" nơi đầu sóng

13:58, 27/03/2019
Ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) không chỉ có những người lính can trường không ngại nắng gió ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn có những “bóng hồng” cùng kiên cường sát cánh nơi đầu sóng.

Nhân chuyến công tác ở Trường Sa, có dịp gặp gỡ và tìm hiểu cuộc sống của người dân trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi mới cảm nhận hết cuộc sống nơi đây còn nhiều thiếu thốn và khắc nghiệt. Nam giới đã vất vả, phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi hơn. Tuy nhiên những người đã và đang sống, làm việc ở quần đảo Trường Sa dường như đã quen với khó nhọc, luôn tận tâm với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Chị em phụ nữ sinh sống trên xã đảo Sinh Tồn.
Chị em phụ nữ sinh sống trên xã đảo Sinh Tồn.
 
“Sống ở nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi rất được Đảng, Nhà nước, đồng bào đất liền và các anh, các chú bộ đội quan tâm tạo điều kiện có cuộc sống tốt. Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu rõ nhất nỗi vất vả, cực nhọc của người lính hải quân. Do đó, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, chúng tôi còn thường xuyên làm những công việc có ích cho đảo mình. Tuy không trực tiếp được huấn luyện trên thao trường, nhưng chúng tôi nguyện làm hậu phương, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc để cùng các anh cống hiến sức mình cho Tổ quốc”.
 
Chị Lữ Kim Cúc (xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)

Ghé thăm nhà của chị Lữ Kim Cúc (SN 1989, quê huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) - cư dân sống trên xã đảo Sinh Tồn, chúng tôi nhận thấy mọi thứ trong nhà đều được sắp đặt ngăn nắp, sạch sẽ.Vợ chồng chị Cúc mới ra đảo sinh sống được gần 1 năm nay, thường ngày chồng chị - anh Doãn Thế Hiển (SN 1983) đi biển đánh bắt hải sản, chị ở nhà chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa, trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn gia đình. Chị Cúc chia sẻ: Với người nội trợ, cái khó nhất hiện nay trên đảo là thiếu nước ngọt vì Trường Sa nằm trong khu vực “ít mưa, thừa nắng”, thời gian khô hạn gấp đôi thời gian mưa. Nguồn nước ngọt phần lớn chỉ trông chờ từ nước mưa, mỗi khi có mưa, chị em tập trung hứng nước mưa từ mái nhà chuyền về các bể ngầm dưới mặt đất hoặc thùng, tẹc chứa nước. Để có nước tăng gia sản xuất, ngoài việc tích trữ nước mưa, các chị còn phải tiết kiệm tối đa nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Theo đó, nước ngọt sau khi tắm, giặt, rửa chén bát... được đưa xuống bể chứa nước thải và dùng để tưới cây - một quy trình khép kín tiết kiệm nước đến từng giọt.

Ngoài công việc nhà, các chị còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, dạy con cái yêu biển, đảo quê hương. Mỗi khi con gái hỏi về những hoạt động trên đảo hay cuộc sống quanh đảo, chị Cúc đều giải thích cụ thể để con hiểu. Khi con hỏi sao nhà mình ở đây, chị giải thích: “Mình ở đây để bảo vệ biển, đảo quê hương mình!”.

Gặp chị Ngọc Nở đón con gái 5 tuổi từ trường học trên đảo về, chị khoe rằng những ngày đầu chưa quen cháu không chịu đi học nên mẹ phải kiên trì đi cùng con, hôm nào chưa kịp đi thì thầy giáo đến tận nhà đón, hiện cháu đã quen nên rất thích đi học, ngày nào cũng dậy sớm đòi mẹ dẫn đến trường. Có lẽ từ cách dạy của mẹ nên các bé đều sớm thích nghi, gắn bó với cuộc sống trên đảo...

Nơi đầu sóng ngọn gió, tình quân dân thêm gắn bó. Hằng tuần, các chị thường quét dọn thu gom lá cây quanh các tuyến đường hoặc khuôn viên đảo, chia sẻ bớt công việc của các chiến sĩ hải quân. Chị Nở vui vẻ kể: “Chị em nhiệt tình chia sẻ với các chiến sĩ những vất vả, thiếu thốn, từ giúp thêm nước uống giải khát khi chiến sĩ lao động mệt nhọc, làm thêm bánh trái  anh em ăn vui miệng và đỡ nhớ nhà, đến khâu vá áo quần. Vào dịp đơn vị tổ chức sinh nhật cho chiến sĩ, chúng tôi còn làm bánh kem, giao lưu văn nghệ sôi nổi trong không khí ấm áp, nghĩa tình”.

Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân) tặng quà chị em phụ nữ xã đảo Sinh Tồn dịp đầu Xuân mới.
Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân) tặng quà chị em phụ nữ xã đảo Sinh Tồn dịp đầu Xuân mới.

Cuộc sống trên đảo tuy khó khăn thiếu thốn, nhưng bù lại môi trường sống bình yên, cảnh quan đẹp đã làm vơi đi nỗi nhớ đất liền. Người dân nơi đây cùng với những người lính hải quân ngày đêm bám biển, bám đảo, bởi với họ “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Những việc làm tưởng chừng rất đỗi bình dị của các chị là nguồn động viên rất lớn đối với chiến sĩ, góp phần bảo vệ vững chắc Trường Sa thân yêu.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc