Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh
Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã có 9 học sinh bị đuối nước. Nguyên nhân là do các em được nghỉ học đã rủ nhau đến ao hồ, sông suối để tắm, hoặc bố mẹ đi làm rẫy để con ở nhà, các em tự ý đi ra gần ao, hồ hoặc xuống tắm và bị đuối nước.
Trước thực trạng trên, để phòng chống đuối nước cho học sinh, nhất là mùa hè năm học 2018 - 2019 đang đến gần, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Nếu như các năm học trước, đối tượng tuyên truyền chính là học sinh, thì năm học này ngành Giáo dục chuyển trọng tâm tuyên truyền để các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ nhận biết được các nguy cơ tiềm ẩn, gây nguy hại cho tính mạng của trẻ em, thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác xã hội hóa xây dựng bể bơi. |
Bà Lê Thị Thảo, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT)
|
Bà Lê Thị Thảo, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT) cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống đuối nước trẻ em, Sở GD-ĐT thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến học sinh. Đặc biệt là tranh thủ các nguồn lực để dạy bơi, xây dựng bể bơi di động nhằm thúc đẩy phong trào dạy bơi, học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh.
Trong năm 2017 và 2018, tỉnh đã đầu tư xây dựng 33 bể bơi di động tại một số trường học ở các địa phương có nhiều trẻ em đuối nước. Cùng với đó, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng bể bơi, tổ chức dạy bơi cho học sinh.
Huyện Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ là những địa phương thực hiện tốt việc này. Cũng trong năm 2018, ngành Giáo dục tỉnh được hỗ trợ 615 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa tổ chức dạy bơi cho 1.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời mở các lớp tập huấn phòng chống tai nạn đuối nước cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để về tuyên truyền, phổ biến lại cho toàn trường.
Dù ngành Giáo dục tỉnh đã nỗ lực, nhưng để giảm tỷ lệ đuối nước đối với lứa tuổi học sinh là việc không dễ bởi cả yếu tố khách quan và chủ quan. Bên cạnh một số lãnh đạo nhà trường có sự quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm như: tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân xã hội hóa đầu tư bể bơi di động để tổ chức dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh trong nhà trường, sau đó là học sinh trên địa bàn, thì vẫn còn không ít lãnh đạo trường học còn e ngại vì khó khăn trong cơ chế xã hội hóa, quỹ đất dành cho xây dựng hồ bơi, kinh phí xây dựng hồ bơi, công tác quản lý, vận hành hồ bơi.
Về phía phụ huynh, mùa hè đến cùng nỗi lo tai nạn đuối nước ở trẻ khiến nhiều bậc phụ huynh đổ xô cho con đi học bơi. Tuy nhiên, khi thấy con vừa biết bơi nhiều phụ huynh đã chủ quan để trẻ tự vui chơi ở sông hồ khi mà kỹ năng xử lý tình huống gặp nạn chưa tốt, chưa đủ bình tĩnh. Điều này rất nguy hiểm.
Tai nạn đuối nước ở trẻ nói chung và học sinh nói riêng đang là vấn đề nhức nhối, được xã hội đặc biệt quan tâm. Để công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, gia đình, nhà trường là nhân tố đóng vai trò quyết định, góp phần đảm bảo sự an toàn cho các em, tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc