Hấp dẫn nghề nuôi chó cảnh
Nhu cầu nuôi thú cưng, đặc biệt là chó cảnh của người dân tăng cao. Vì thế nghề nuôi và chăm sóc chó cảnh đang có sức hấp dẫn với nhiều người.
Anh Doãn Nguyễn Duy Tân (sinh năm 1991, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) đã từ bỏ công việc nhân viên truyền thông tại TP. Buôn Ma Thuột để mở cơ sở nuôi và chăm sóc chó cảnh.
Trước đây anh Tân vốn đã yêu thích động vật nên khi thấy chó mèo bị bỏ rơi do mắc bệnh, anh thường đem về chữa trị và tìm chủ mới cho chúng. Từ đó, anh ấp ủ mở một trang trại chuyên về chó cảnh, vừa thỏa lòng đam mê, vừa có điều kiện chăm sóc những trường hợp động vật bị bỏ rơi. Năm 2018 anh đã hiện thực hóa ước mơ của mình khi chuyển hẳn về thị xã Buôn Hồ để mở cơ sở nuôi chó cảnh. Nhờ có sự tìm hiểu kỹ càng về quy trình chăm sóc các giống chó và tình yêu thương với động vật nên cơ sở của anh nhanh chóng có thêm nhiều thành viên mới. Đến nay anh Tân đang nuôi 20 chú chó trưởng thành, với nhiều giống như Cogri, Pooder…
Anh Tân cho biết, việc nuôi chó không khó nhưng cần phải tỉ mỉ và cẩn thận vì nếu lỡ để chó mắc bệnh thì khả năng lây nhiễm ra cả trại rất cao. Do đó, tại cơ sở của anh, chó được tiêm ngừa từ lúc hai tháng tuổi và tiêm nhắc mỗi năm. Nhiều đêm anh phải thức trắng để kiểm tra tình trạng sức khỏe, thuốc men cho chó bệnh, hay chăm sóc cho chó đẻ. Chó có chế độ dinh dưỡng riêng, chuồng trại thoáng mát, được vệ sinh hằng ngày, mỗi tuần được tắm 2 lần. Việc mở cơ sở nuôi và chăm sóc chó cảnh đã giúp anh Tân có thêm thu nhập đáng kể, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Một con chó mỗi năm có thể đẻ 2 lứa, khi được tiêm phòng vắc xin, cắt tỉa lông làm đẹp gọn gàng thì có giá khá cao, từ 5 triệu đồng trở nên”, anh Tân cho biết thêm.
Anh Doãn Nguyễn Duy Tân chơi đùa cùng đàn cho cảnh. |
Cũng như anh Tân, ông Phạm Bá Như (sinh năm 1964, thôn Nam Tân, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk) rất đam mê nuôi chó cảnh, dù tuổi đã cao. Ông được đánh giá là một trong những gương điển hình trong việc chuyển đổi mô hình làm kinh tế tốt tại địa phương. Trước khi nuôi chó cảnh, ông Như có mô hình chăn nuôi bò sinh sản, nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, dù gia đình có 3 ha đất trồng cà phê, nhưng do giá cà phê xuống thấp nên kinh tế vẫn bấp bênh. Đến nay, với kinh nghiệm nuôi chó sau nhiều năm, cơ sở nuôi chó cảnh của ông Như đã được nhiều người biết đến và đặt hàng. Với công việc này, ông có thể tranh thủ làm vào buổi sáng, còn buổi chiều dành cho nương rẫy, đồng áng. Nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Ông Phạm Bá Như cùng cho cảnh do gia đình nuôi. |
Nhận thấy nhu cầu nuôi thú cưng, đặc biệt là chó cảnh của khách hàng trên khắp cả nước ngày càng tăng, những người nuôi chó cảnh và làm dịch vụ chăm sóc thú cưng trên địa bàn huyện Krông Búk và các huyện lân cận đã liên kết thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Gia (xã Cư Kbô, huyện Krông Búk). HTX có nhiều dịch vụ như: chăn nuôi, mua bán chó mèo, mua bán thức ăn chăn nuôi, lưu chuồng, ký gửi, tắm sấy, spa cắt tỉa, trị bệnh ngoài da, phối giống, đỡ đẻ cho chó mèo, phim trường chó mèo… Đây được xem là HTX đầu tiên của của Đắk Lắk hoạt động về lĩnh vực này.
Hợp tác xã có 7 thành viên, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, hiện nay HTX có khoảng 200 con chó cảnh các loại như Poodle, Pug, Bulldog, Alaska, Husky… của các thành viên, có thể cung cấp chó cảnh, thú cưng cho khách hàng trong cả nước. Để đáp ứng thị hiếu khách hàng, cũng như tạo điều kiện làm quen với chó cảnh, HTX còn mở quán cà phê và phim trường chó kiểng. Tại đây mọi người vừa được thư giãn lại có thời gian tìm hiểu về chó trước khi nuôi. Đây là địa điểm được rất nhiều người yêu thích, nhất là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, HTX còn nhận đào tạo chuyên sâu cho những ai muốn học về các dịch vụ này để lập nghiệp.
Vừa qua, HTX Chăn nuôi Hoàng Gia đã phối hợp với nhóm thú cưng Buôn Hồ tổ chức thi chó cảnh đẹp, thông minh và huấn luyện giỏi. Hình thức này vừa tạo sân chơi thú vị cho những người yêu chó, vừa giúp các hoạt động của HTX được nâng cao, khẳng định tính chuyên nghiệp. Những chú chó đạt tiêu chuẩn sẽ được đi TP. Hồ Chí Minh để tham gia các cuộc thi có quy mô lớn hơn. |
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc