Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ học tập và làm theo Bác

09:04, 30/08/2019

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung lớn, xuyên suốt trong nhiệm vụ công tác hằng năm của các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh. Qua nhiều năm triển khai, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành thế hệ thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão sẵn sàng xung kích vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Những tấm gương điển hình

Là 1 trong 8 đảng viên trẻ tiêu biểu của tỉnh năm 2019 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương, anh Hồ Đăng Phong luôn khắc ghi lời Bác dạy, tích cực tham mưu và triển khai thực hiện nhiều hoạt động, nhận được sự đánh giá cao của cơ quan cũng như tổ chức đoàn thể. Công tác tại Phòng Hỗ trợ tín dụng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đắk Lắk, anh Phong đã có nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như Đề án “Đẩy mạnh hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu tại Chi nhánh Đắk Lắk” đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng đột phá, đưa chi nhánh trở thành đơn vị dẫn đầu khu vực về kinh doanh ngoại tệ, được Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam công nhận, áp dụng và nhân rộng trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, anh còn nhiều ý tưởng phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh như: ứng dụng công nghệ Google Map trong công tác thẩm định tài sản; sử dụng webcam thay thế cho máy scan quét chữ ký...

Đoàn viên thanh niên làm khu vui chơi cho thiếu nhi buôn Ea Dray, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc.
Đoàn viên thanh niên làm khu vui chơi cho thiếu nhi buôn Ea Dray, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc.

Hay anh Vũ Văn Tân, Bí thư Đoàn xã Ea Tyh, huyện Ea Kar không chỉ năng nổ trong công tác Đoàn mà còn là một trong những thanh niên đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Với suy nghĩ “Muốn đoàn kết, tập hợp được thanh niên thì mình phải là tấm gương làm kinh tế giỏi”, năm 2016 anh Tân đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 2.000 con gà siêu trứng về nuôi. Anh biết cách chăm sóc và chọn giống chất lượng nên đàn gà sinh trưởng tốt, trung bình mỗi năm trang trại gà của gia đình cho doanh thu gần 500 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương. Anh Tân đã được chọn là 1 trong 50 thanh niên tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới trong toàn quốc, được tuyên dương và trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2018.

 
“Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình được tuyên dương và nhân rộng đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của mỗi ĐVTN trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy các bạn trẻ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Nguyễn Ngọc Hoàng

Với Bí thư Huyện Đoàn Krông Búk H’Ngốp Niê thì luôn tìm tòi, nghiên cứu đề ra chương trình, phương pháp, sáng kiến áp dụng hiệu quả vào thực tế địa phương.

Chị H’Ngốp cho hay: “Để Đoàn hoạt động hiệu quả không thể thiếu các phong trào, bởi đó là môi trường trải nghiệm, phát huy tính xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ. Tuy nhiên, để phong trào phát huy được hiệu quả, quan trọng nhất là người cán bộ Đoàn phải gương mẫu, đi đầu. Khi có hoạt động ở địa phương, phải xuống cơ sở “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), từ đó lên kế hoạch triển khai những phần việc gắn với nhu cầu thực tiễn của từng địa bàn”.

Nhờ cách làm đó, những năm qua, chị đã cùng Ban Thường vụ Huyện Đoàn xây dựng nhiều chương trình thiết thực cho ĐVTN tham gia, từng bước đưa phong trào Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi của huyện ngày một đi lên. Điển hình như phong trào thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng. Từ năm 2017 đến nay Huyện Đoàn đã xây dựng được 6 sân bóng chuyền thanh niên, 3 khu vui chơi cho thiếu nhi; tổ chức được 14 buổi ra quân thực hiện “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”. Đặc biệt là phong trào "Thách thức để thay đổi" đã thu hút đông đảo ĐVTN toàn huyện tham gia...

Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Để việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” có sức lan tỏa rộng khắp, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên thanh niên, những năm qua, Tỉnh Đoàn đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho ĐVTN học tập và làm theo gương Bác. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đều xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các cấp bộ đoàn triển khai với nhiều đổi mới về nội dung, phong phú về hình thức: Lồng ghép nội dung học tập và làm theo Bác trong các hoạt động văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao; tọa đàm với nhân chứng lịch sử; Liên hoan các CLB, đội, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, Hội trại kỹ năng thủ lĩnh thanh niên, Ngày hội tôi yêu Tổ quốc tôi; tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ…

Đoàn viên thanh niên Đoàn khối các cơ quan tỉnh tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc.
Đoàn viên thanh niên Đoàn khối các cơ quan tỉnh tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc.

Những tập thể, cá nhân điển hình được viết bài nêu gương, đăng tải trên Bản tin Tuổi trẻ Đắk Lắk, các website, trang mạng xã hội do tổ chức Đoàn – Hội – Đội quản lý cũng có sức lan tỏa mạnh, tạo hiệu ứng tuyên truyền tích cực... Định kỳ hằng năm, vào các ngày lễ lớn của đất nước, của Đoàn – Hội, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức bình chọn, tuyên dương và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác trên các lĩnh vực. Đây được xem là hoạt động thiết thực thúc đẩy ĐVTN trong tỉnh phấn đấu học tập và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống theo gương Bác.

Vân Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.