Multimedia Đọc Báo in

Drai Điết lan tỏa phong trào nuôi dạy con tốt

08:28, 06/09/2019

Từ hoạt động của những mô hình, câu lạc bộ (CLB) do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) thành lập, phong trào nuôi dạy con tốt, chăm lo xây dựng đời sống gia đình ấm no, hạnh phúc ở buôn Drai Điết đã thực sự lan tỏa mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.

Buôn Drai Điết có dân cư phần lớn là đồng bào Êđê, nguồn thu nhập chính là từ sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, do nhận thức hạn chế nên nhiều gia đình không quan tâm đến vấn đề kế hoạch hóa gia đình, trẻ em sinh ra chưa được quan tâm, chăm lo đúng mức về thể chất, tinh thần, thường bỏ học sớm để cùng cha mẹ lên nương rẫy.

Trước thực trạng ấy, đầu năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dliê Yang đã vận động thành lập CLB “Phụ nữ nuôi dạy con tốt” với 35 thành viên là hội viên phụ nữ sinh sống tại buôn Drai Điết. Nhờ hoạt động của CLB, các thành viên được cung cấp kiến thức nuôi dạy con cái, bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, chị em hội viên phụ nữ còn có môi trường chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao...

Anh Kpă Y Hồng hướng dẫn con gái học bài.
Anh Kpă Y Hồng hướng dẫn con gái học bài.

Từ những thành công bước đầu ấy, đầu năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục vận động chồng của các chị em thành viên CLB “Phụ nữ nuôi dạy con tốt” thành lập mô hình “Người cha tốt của con”, góp phần tạo tiếng nói chung về quan điểm xây dựng tổ ấm, chăm lo cho con cái trong từng gia đình của thành viên.

Chị Rô H’Rik, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Drai Điết chia sẻ, do nội dung tuyên truyền, vận động tương đồng nên thành viên CLB và mô hình thống nhất cùng sinh hoạt theo định kỳ 2 – 3 tháng/lần. Tại đây, các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi được tìm hiểu, thảo luận về các phương pháp nuôi dạy con như: nắm bắt tâm lý con trẻ theo từng độ tuổi, giáo dục giới tính, động viên con chăm lo học hành, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ... Ngoài ra, đây cũng là dịp để các cặp vợ chồng được chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ phía bạn đời, được góp ý về lối sống, cách thức làm kinh tế...

 
"Nhờ hoạt động hiệu quả của CLB “Phụ nữ nuôi dạy con tốt” và mô hình “Người cha tốt của con” tại buôn Drai Điết, các phong trào công tác hội ngày càng sôi nổi, lan tỏa quan điểm sống tích cực đến nhiều gia đình khác ở trong và ngoài buôn. Đây là cơ sở quan trọng để Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục nhân rộng mô hình, ưu tiên cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã".
 
Bà Ađrơng H’Bíu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dliê Yang

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng ban đầu không phải thành viên nào của mô hình “Người cha tốt của con” cũng ý thức được vai trò của mình trong việc xây dựng tổ ấm gia đình. Một số thành viên vẫn nặng định kiến về giới tính của con, thường xuyên uống rượu bia, đánh vợ con, chưa chăm lo đến kinh tế gia đình.

Theo anh Kpă Y Hồng, Chủ nhiệm mô hình, không phải những người đàn ông này không thương vợ con mình mà do ít tiếp xúc với môi trường xã hội nên cái nhìn còn hạn hẹp. Để giúp họ từng bước thay đổi, anh Y Hồng quan tâm nhiều hơn, thường xuyên mời các thành viên này tham gia những buổi tập huấn, hội thảo về mô hình kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ do các đơn vị chức năng tổ chức.

Anh cũng thường động viên, chia sẻ về quan điểm sống với những thành viên chưa tiến bộ qua các dịp gặp gỡ thân tình, hội họp của buôn làng. Khi nghe tin gia đình thành viên có mâu thuẫn, bất hòa, Ban chủ nhiệm mô hình phối hợp cùng các đoàn thể ở buôn có mặt kịp thời để hòa giải. Mưa dầm thấm lâu, các thành viên chậm tiến bộ dần thay đổi nhận thức và hành vi, giảm hẳn rượu bia, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của buôn làng.

Các thành viên của CLB “Phụ nữ nuôi dạy con tốt” buôn Drai Điết duy trì tập luyện bóng chuyền vào buổi chiều hằng ngày.
Các thành viên của CLB “Phụ nữ nuôi dạy con tốt” buôn Drai Điết duy trì tập luyện bóng chuyền vào buổi chiều hằng ngày.

Đến nay, mô hình “Người cha tốt của con” đã phát triển thêm 5 thành viên mới. Tất cả các gia đình thành viên của mô hình và CLB đều tạo điều kiện tốt nhất cho con được đến trường, giảm hẳn tình trạng sinh con thứ ba, số hộ nghèo cũng được xóa từ năm 2017. Các thành viên hiện đang duy trì tốt phong trào tập luyện thể dục, thể thao. Năm cặp vợ chồng là thành viên của mô hình và CLB cũng từng được tham gia cùng đoàn vận động viên của huyện tranh tài trong Hội thi thể dục, thể thao các dân tộc thiểu số của tỉnh và đạt thành tích cao.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.