Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa cử thầm lặng trong lũ dữ

08:44, 04/09/2019

Để tạm thời khắc phục sự cố vỡ đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana) hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, ngoài sự tham gia của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân tại chỗ còn có sự đóng góp thầm lặng của chị em phụ nữ xã Quảng Điền trong những ngày mưa lũ.

Cơn lũ đầu tháng 8-2019 xảy ra để lại hậu quả nặng nề với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Krông Ana. Đặc biệt, sự cố vỡ đê bao Quảng Điền vào rạng sáng 13-8 và trước đó nhiều vị trí của hệ thống đê bao này bị tràn nước. Không trực tiếp dầm mình trong nước lũ, nhưng một số chị em phụ nữ của xã Quảng Điền đã không quản ngại khó khăn chạy ngược chạy xuôi đi vận động, kêu gọi hỗ trợ và vận chuyển thực phẩm phục vụ cho lực lượng trực tiếp hộ đê cứu lúa.

Chị Trần Thị Hải (thôn 2, xã Quảng Điền) chia sẻ, từ ngày 10-8 đến 12-8, thời điểm một số vị trí của hệ thống đê bao Quảng Điền có hiện tượng nước tràn, lực lượng vũ trang huyện và người dân tại chỗ đã nỗ lực ngăn đê cứu lúa. Dù không trực tiếp làm việc ngăn đê, nhưng thời gian này chị có mặt hằng ngày tại các vị trí đê tràn nước để tiếp tế thực phẩm phục vụ bà con cứu đê.

Chị không nhớ đã tiếp tế bao nhiêu chuyến thực phẩm, chỉ nhớ rằng cứ hết mỗi chuyến, chị lại quay về chợ Quảng Điền để vận động người dân, tiểu thương hỗ trợ. Theo đó, người bán bánh thì ủng hộ bánh, người bán bún ủng hộ bún…, những người dân đi chợ thì ủng hộ tiền mặt để mua bánh mì, nước uống. Được biết, chị Hải buôn bán hàng tôm, cá ở chợ Quảng Điền, không có thực phẩm ăn sẵn ủng hộ bà con ngăn đê nên chị bỏ 500 nghìn đồng tiền mặt góp vào với chị em tiểu thương trong chợ mua đồ ăn, nước uống. Bản thân chị cũng đã trực tiếp đi vận động nhiều chị em khác cùng đóng góp, hỗ trợ để có những suất ăn nhanh phục vụ người dân và lực lượng vũ trang tham gia ngăn đê cứu lúa.

Chị Trần Thị Hải tiếp nước uống cho người dân tham gia hộ đê cứu lúa.
Chị Trần Thị Hải tiếp nước uống cho người dân tham gia hộ đê cứu lúa.

Từ 6 giờ sáng ngày 13-8, chị Hoàng Thị Hoa (thôn 2, xã Quảng Điền) đã có mặt tại hiện trường đê vỡ. Nghe tin đê vỡ, mọi người trong gia đình chị đều có mặt tại hiện trường, mỗi người mỗi việc, riêng chị làm công tác hậu cần, vận chuyển thực phẩm cho bà con trực tiếp cứu đê. Trong thiên tai, mỗi người tham gia cứu đê đều không nề hà đói, rét, chỉ biết bằng mọi cách sớm khắc phục sự cố. Cũng như mọi người dân nơi sự cố vỡ đê xảy ra, chị Hoa không ngại khó khăn, sắp xếp việc nhà để cùng góp sức vào việc ngăn đê cứu lúa. Chị tâm sự, thực phẩm do người dân, tiểu thương trên địa bàn xã ủng hộ rất nhiều, hễ hết chuyến này chị lại quay về chợ xin hỗ trợ chuyến khác. Nhờ vậy, bánh, nước uống phục vụ những người cứu đê không bao giờ thiếu kể từ ngày nước tràn đê và đỉnh điểm là sự cố vỡ đê vào sáng 13-8. 

Chị Hoàng Thị Hoa tiếp tế bánh mì cho lực lượng vũ trang tham gia ngăn đê khu vực cánh đồng B, xã Quảng Điền.
Chị Hoàng Thị Hoa tiếp tế bánh mì cho lực lượng vũ trang tham gia ngăn đê khu vực cánh đồng B, xã Quảng Điền.

Chị Nguyễn Thị Hiền Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Điền cho hay, từ trước tới nay chưa bao giờ thiên tai để lại hậu quả nặng nề với người dân trồng lúa trên địa bàn xã như năm nay. Trong 3 ngày từ ngày 10 đến 12-8, nhiều vị trí trên hệ thống đê bao Quảng Điền đoạn qua xã Quảng Điền nước tràn mặt đê. Trong thời gian đó, cán bộ địa phương, người dân và lực lượng vũ trang huyện ngày đêm nỗ lực ngăn đê cứu diện tích lúa vụ hè thu.

Đặc biệt, trong sự cố vỡ đê vào sáng 13-8, phần lớn người dân xã Quảng Điền đều có mặt khắc phục, dựng hàng rào tạm ngăn nước. Trong đó, có rất nhiều chị em phụ nữ xã Quảng Điền đã tất tả ra vào từ chợ trung tâm xã đến vị trí đê vỡ để vận chuyển thực phẩm cho bà con, lực lượng vũ trang. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân địa phương khi phải đối mặt với thiên tai. Không có con số thống kê cụ thể về tiền mặt, số thực phẩm ăn nhanh và nước uống của người dân, tiểu thương đóng góp, bởi tất cả mọi sự ủng hộ đều tự nguyện trên tinh thần không để bất cứ ai tham gia công tác cứu hộ bị đói, khát.

Theo thống kê của UBND huyện Krông Ana, đợt mưa lũ đầu tháng 8-2019, toàn huyện có hơn 1.424 ha diện tích cây trồng, thủy sản bị thiệt hại, riêng lúa nước 1.422 ha. Trong đó, xã Quảng Điền có 473 ha lúa bị ngập chìm.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.