Multimedia Đọc Báo in

Ea Tiêu phát huy nội lực làm đường giao thông nông thôn

09:29, 06/11/2019

Về xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) thời điểm này, cảm nhận rõ nét nhất về thành tựu chương trình xây dựng nông thôn mới là những con đường sạch, đẹp trải dài đến mọi ngõ xóm, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở một vùng quê...

Đưa chúng tôi đi thăm con đường mới được trải nhựa phẳng lì, ông Mai Thế Thân, Trưởng thôn 1, xã Ea Tiêu không giấu được niềm vui: “Tuyến đường này vừa mới được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ giữa tháng 10 năm nay. Đây là thành quả sự chung sức, đồng lòng của người dân trong thôn”. Thôn 1 hiện có 211 hộ, 1.080 nhân khẩu, trong đó 97% dân số theo đạo Công giáo.

Hưởng ứng chủ trương làm đường giao thông nội thôn, người dân đã họp bàn, thống nhất nhựa hóa các tuyến đường đất trong thôn với tổng chiều dài hơn 3 km. Các tuyến đường đi qua nhà hàng trăm hộ dân, liên quan đến đất thổ cư, đất vườn, trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hạn hẹp nên giải pháp tối ưu được người dân đồng lòng hưởng ứng là mỗi hộ tự hiến đất, giải phóng mặt bằng. Không dừng lại ở đó, do kinh phí làm đường có hạn nên người dân trong thôn lại tiếp tục họp bàn và thống nhất đóng góp thêm tiền, ngày công xây dựng...

Cán bộ xã Ea Tiêu cùng người dân thôn 1 kiểm tra chất lượng đường giao thông nội thôn.
Cán bộ xã Ea Tiêu cùng người dân thôn 1 kiểm tra chất lượng đường giao thông nội thôn.

Ông Thân cho biết, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, cùng sự phối hợp hỗ trợ của các chức sắc tôn giáo, công tác giải phóng mặt bằng các tuyến đường nội thôn 1 đã hoàn tất. Nhân dân cũng đã đóng góp gần 3 tỷ đồng để nhựa hóa 3 km đường. Điển hình trong việc đóng góp làm đường ở thôn 1 là hộ gia đình ông Cao Thế Thuần.

Ngay sau khi xã phát động phong trào hiến đất làm đường, ông đã không ngần ngại hiến 100 m2, dỡ tường rào, đóng góp 40 triệu đồng và tham gia ngày công lao động. Ông Thuần chia sẻ: "Vẫn biết “tấc đất tấc vàng”, đất đai là tài sản có giá trị lớn, nhưng việc xây dựng con đường mới, sạch đẹp cho trẻ em đến trường được an toàn, bà con đi lại được thuận tiện... là việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Gia đình chúng tôi chỉ mong được đóng góp chút ít để xây dựng quê hương...".

 
“Các chức sắc tôn giáo, giáo dân trên địa bàn có vai trò hết sức quan trọng, là hạt nhân gắn kết quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp”.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Y Khôn Knul

Tương tự như ở thôn 1, sau khi được Nhà nước hỗ trợ bê tông hóa các tuyến đường chính, người dân ở các tuyến đường nội bộ cũng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, đồng thuận cao trong việc đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường giao thông nội thôn.

Theo thống kê, trong năm 2019, người dân thôn 4 đã đóng góp trên 4 tỷ đồng để nhựa hóa 4 km đường nội thôn. Ông Dương Minh Đại, Trưởng thôn 4 phấn khởi: “Nhiều năm trời, hàng trăm hộ dân của thôn vẫn phải đi qua con đường “nắng bụi, mưa lầy”. Khi có chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn, người dân ai cũng đồng tình hưởng ứng. Người góp công, người góp của, chỉ sau một thời gian ngắn, thôn xóm đã khang trang sạch đẹp".

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Y Khôn Knul (thứ 2 từ trái sang) trao đổi việc hiến đất làm đường với người dân thôn 4, xã Ea Tiêu.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Y Khôn Knul (thứ 2 từ trái sang) trao đổi việc hiến đất làm đường với người dân thôn 4, xã Ea Tiêu.

Ông Y Khôn Knul, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Ea Tiêu hiện có trên 50% dân số là giáo dân. Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống của đồng bào các tôn giáo, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng thường xuyên vận động chức sắc tôn giáo, trưởng ban hành giáo các nhóm họ vận động giáo dân đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới và đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Nhờ phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn xã Ea Tiêu luôn sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy được vai trò chủ thể, tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là xây dựng nông thôn mới. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn xã ngày càng được củng cố, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

  Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.