Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng Chính sách xã hội: Đồng hành cùng công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương

07:12, 27/01/2020

Những năm qua nguồn tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) đã góp phần quan trọng thay đổi cuộc sống của người dân, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tạo bước đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đến hết năm 2019, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 4.835 tỷ đồng, với trên 200 nghìn khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay ưu đãi hộ nghèo 1.346 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên 220 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 909 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 475 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh và thương nhân vùng khó khăn 734 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 626 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo làm nhà ở 243 tỷ đồng; cho vay GQVL 133 tỷ; cho vay các đối tượng khác 149 tỷ đồng.

Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Năng.
Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Năng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, toàn tỉnh đã có 299.271 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH, với doanh số cho vay 6.761 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách này đã giúp cho 70.760 hộ thoát ngưỡng nghèo; 16.745 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; giúp 9.426 lao động được tạo việc làm; xây dựng hơn 125.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sửa chữa và xây dựng mới 5.835 căn nhà cho hộ nghèo... 

Chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, với tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn dưới 0,12%. Qua việc sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo, từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Dự Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW vào trung tuần tháng 9 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao những chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động tín dụng chính sách.

Những chuyển biến đó đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương và tăng thu nhập cho người dân. Ngay sau hội nghị này, UBND tỉnh đã quyết định tăng vốn ủy thác sang NHCSXH từ 12 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng, đến nay đã có 8 địa phương chuyển vốn từ 1 tỷ đồng trở lên.

Theo Giám đốc NHCSXH Nguyễn Tử Ân, việc tăng vốn ủy thác của tỉnh bên cạnh cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách, còn cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị đã tạo sự tin tưởng của ngân hàng cấp trên và địa phương.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra hiệu quả  vốn vay tại huyện Krông Bông.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra hiệu quả vốn vay tại huyện Krông Bông.

Để góp phần giúp NHCSXH tiếp tục đồng hành cùng công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương, rất cần sự hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tổ chức các hoạt động giao dịch tại các xã, phường nhằm phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân.

Đồng thời, có biện pháp lồng ghép các nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống...

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.