Multimedia Đọc Báo in

Tiết kiệm giúp nhau vượt khó

09:47, 11/01/2020

Từ nguồn Quỹ Hội do hội viên đóng góp, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) đã kịp thời động viên, giúp đỡ nhiều nạn nhân có điều kiện cải thiện đời sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Ea Kly hiện có 73 hội viên sinh hoạt tại 7 chi hội. Trước thực trạng hầu hết nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên bệnh tật, Hội đã vận động hội viên tiết kiệm xây dựng Quỹ Hội với mức đóng 200.000 đồng/người/năm để thăm hỏi hội viên, nạn nhân CĐDC những lúc ốm đau, hoạn nạn; tặng quà vào các dịp lễ, Tết…

Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện cho những gia đình hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc (thôn 3) là một trong những trường hợp đầu tiên được vay nguồn vốn này. Gia đình ông Lộc có 3 người con, trong đó con gái đầu bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng của CĐDC.

Các hội viên Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Ea Kly trò chuyện động viên nhau trong cuộc sống.
Các hội viên Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Ea Kly trò chuyện động viên nhau trong cuộc sống.

Trước đây, kinh tế của cả gia đình ông chỉ trông chờ vào 4 sào cà phê đã già cỗi, vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn để có tiền nuôi các con ăn học và trang trải sinh hoạt. Năm 2011, ông Lộc được Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã xét duyệt cho vay 2 triệu đồng để mua một cặp dê giống về nuôi. Ông chăm sóc cẩn thận nên đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, chỉ sau một năm, gia đình ông đã trả được nợ và có vốn để đầu tư nuôi thêm bò. Không chỉ gia đình ông Lộc mà nhiều hội viên cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn này. Đến nay, với số tiền Quỹ Hội là 270 triệu đồng, mỗi năm Hội đã giúp khoảng 20 gia đình hội viên nghèo vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Trong năm 2019, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Ea Kly đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được hơn 96 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho 475 lượt hội viên, nạn nhân CĐDC.

Cùng với việc xây dựng Quỹ Hội cơ sở, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã còn khuyến khích các chi hội tiết kiệm để giúp đỡ nhau lúc khó khăn hay thành lập các tổ hùn vốn quay vòng giúp giải quyết việc làm, phát triển sản xuất.

Tiêu biểu như Chi hội thôn 1A (gồm 9 hội viên) đã xây dựng được nguồn quỹ tiết kiệm với số tiền 108 triệu đồng và thành lập được một tổ góp vốn xoay vòng cho hội viên khó khăn vay. Với cách làm này, nhiều hội viên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn được vay và vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như ông Nguyễn Văn Quang được vay 14 triệu đồng từ năm 2011, ông đã xây dựng chuồng trại và mua 4 con heo nái về nuôi. Việc chăn nuôi thuận lợi, trong vòng một năm đã xuất bán được khoảng 30 con heo giống. Nguồn thu từ việc nuôi heo không chỉ giúp gia đình ông trả hết nợ mà còn có thêm vốn liếng đầu tư trồng xen tiêu trong vườn cà phê và nuôi thêm gà. Nhờ vậy, năm 2017 gia đình ông đã được xóa tên trong danh sách hộ nghèo của thôn.

Đại diện Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Ea Kly (bìa trái) thăm mô hình nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc (thôn 3).
Đại diện Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Ea Kly (bìa trái) thăm mô hình nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc (thôn 3).

Không chỉ giúp nhau về vốn làm ăn, Hội còn vận động hội viên đóng góp, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội để kịp thời động viên, sẻ chia với những nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo… Trong năm 2019, Hội đã giúp đỡ 3 gia đình nạn nhân với số tiền gần 4 triệu đồng.

Ông Trương Quốc Tưởng, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Ea Kly cho biết: “Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận cao trong cán bộ, hội viên; giúp các nạn nhân có thêm động lực vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Đến nay 100% hội viên đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.