Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Sôi nổi phong trào hiến máu nhân đạo

08:53, 11/02/2020

Thời gian qua, phong trào hiến máu nhân đạo ở Krông Năng luôn được các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ và nhân dân hưởng ứng tích cực. Mỗi đợt tổ chức hiến máu thu hút hàng nghìn người tham gia, lượng máu thu về luôn vượt chỉ tiêu được giao.

Em Y Luk Mlô (buôn Đê, xã Ea Hồ), 18 tuổi, học sinh lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng xung phong hiến máu tình nguyện lần đầu tiên tại chương trình Chủ nhật Đỏ tổ chức tại huyện nhà vào đầu tháng 1-2020.

Y Luk tâm sự, em ấp ủ làm một việc gì đó đặc biệt để đánh dấu tuổi trưởng thành của mình, nhưng chưa nghĩ ra. Khi nghe trung tâm thông báo có chương trình hiến máu nhân đạo rất ý nghĩa nên em đã quyết định tham gia.

Lần đầu hiến máu, Y Luk khá hồi hộp, song đến nơi thấy nhiều người cùng hiến giúp em tự tin hơn. Hiến đủ 350 ml máu, Y Luk hết lo lắng khi trong người vẫn khỏe, đi lại bình thường. Chàng trai Êđê cho biết sẽ tiếp tục hiến máu, phấn đấu trở thành tuyên truyền viên đưa nghĩa cử nhân đạo phổ biến rộng rãi về buôn làng.

Người dân Krông Năng hiến máu tại trung tâm huyện vào tháng 1-2020.
Người dân Krông Năng hiến máu tại trung tâm huyện vào tháng 1-2020.

Mười hai lần hiến máu, anh Kpă Y Biên (công tác tại Trạm Y tế xã Ea Puk, huyện Krông Năng) vẫn vẹn nguyên cảm xúc háo hức như lần đầu. Kpă Y Biên tâm sự, mỗi lần hiến máu anh cảm thấy vui vì mình vừa làm được một việc ý nghĩa. Anh Y Biên làm trong ngành y tế nên càng thấm thía ý nghĩa của giọt máu cứu người trong lúc nguy cấp. Y Biên bắt đầu hiến máu từ năm 2009. Dù nhà cách điểm hiến máu khá xa (hơn 15 km), nhưng anh đều thu xếp công việc tham gia mỗi năm một lần. Ngoài ra, anh còn tích cực vận động đồng nghiệp, người thân trong gia đình tham gia hiến máu.

 
"Cách vận động hiến máu hiệu quả nhất là người đứng đầu cơ quan phải đi đầu; tôn vinh, khen thưởng kịp thời những cá nhân hiến máu từ 3 lần trở lên; phối hợp các hội, đoàn thể khác để phong trào hiến máu được lan tỏa sâu rộng".
 
Bà Bế Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Năng

Cũng trên 10 lần hiến máu, sư cô Thích Nữ Như Tín (chùa Huệ An, thị trấn Krông Năng) cho hay, mỗi lần sư cô đều hiến 350 ml máu (nữ thường hiến 250 ml máu). Trong những lần hiến máu, sư cô nhớ nhất là lần hiến máu trực tiếp cho một em bé (quê Lâm Đồng) đang chờ máu để mổ tim tại Bệnh viện Tim (TP. Hồ Chí Minh) vào tháng 10-2019. Sư cô tình cờ biết thông tin về trường hợp này qua mạng xã hội, sau đó kết nối đầu mối thông tin để đăng ký, đúng ngày thì đón xe từ Đắk Lắk vào TP. Hồ Chí Minh hiến máu cho bé.

Hơn một năm sau, sư cô bất ngờ khi người nhà cháu bé gọi điện thông báo ca ghép rất thành công và nói lời cảm ơn khiến sư cô ấm lòng. Sư cô Thích Nữ Như Tín chia sẻ, mỗi khi có chương trình hiến máu, sư cô cũng như phật tử trong chùa đều tham gia. Đây là việc tốt, việc thiện mang ý nghĩa nhân văn cao cả nên nhà chùa luôn hoan hỉ hưởng ứng.

Sư cô Thích nữ Như Tín cùng các phật tử đi hiến máu.
Sư cô Thích nữ Như Tín cùng các phật tử đi hiến máu.

Bà Bế Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Năng cho biết, phong trào hiến máu ở địa phương đã phát triển sâu rộng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn rất tích cực tham gia. Nhớ lại những năm đầu đi vận động rất vất vả, phong trào hiếu máu còn hạn chế khiến nguồn máu phục vụ cấp cứu khan hiếm. Để nâng cao nhận thức ý nghĩa việc hiến máu cứu người, Hội tăng cường, đổi mới hình thức tuyên truyền.

Năm 2012, Hội dùng mạng xã hội để tiếp cận người hiến máu và kiên trì thực hiện đạt hiệu quả rõ rệt. Từ 2015 - 2018, số lượng người đăng ký hiến máu tăng lên con số hàng nghìn, đến từ khắp thôn làng vùng sâu vùng xa; lượng máu thu về luôn vượt chỉ tiêu được giao. Đơn cử như ngày 19-1-2020, chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ tổ chức tại huyện Krông Năng đã thu hút trên 1.700 người tham gia, lượng máu thu về là 940 đơn vị, vượt 140 đơn vị so với chỉ tiêu đăng ký là 800 đơn vị máu.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.