Những ưu việt của hình thức nộp phạt trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết sẽ thực hiện thí điểm việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ngay trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Việc thí điểm được thực hiện tại 5 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.
Theo đó, thông qua Cổng DVCQG, người dân có thể sử dụng các dịch vụ để nộp tiền phạt vi phạm giao thông, thay vì phải trực tiếp đến các kho bạc, ngân hàng. Người vi phạm chỉ cần sử dụng máy tính có kết nối mạng Internet, truy cập vào Cổng DVCQG, vào mục nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khai báo thông tin về số biên bản vi phạm hành chính, họ tên, điện thoại, địa chỉ, hành vi vi phạm... và chọn ngân hàng để nộp phạt.
Có thể nói, đây là giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần giảm thiểu các chi phí hành chính và ngăn ngừa tình trạng tiêu cực. Đối với người vi phạm, việc nộp phạt trực tuyến rất tiện lợi, giảm chi phí đi lại và bảo đảm việc chấp hành pháp luật được nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời phát huy được vai trò của các cơ quan có liên quan như hệ thống bưu chính – viễn thông, hệ thống ngân hàng phối hợp trong quá trình giải quyết vi phạm như chuyển tiền nộp phạt qua hệ thống ngân hàng và thông qua dịch vụ bưu chính để trả giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm.
Đối với cơ quan quản lý, việc nộp phạt trên Cổng DVCQG sẽ giúp giảm lực lượng phải túc trực thường xuyên để giải quyết vi phạm và hạn chế giấy tờ, văn bản hành chính. Đặc biệt, sẽ khắc phục tình trạng “mãi lộ” tiêu cực, xin xỏ, thỏa thuận “cưa đôi” số tiền xử phạt… Mặt khác, nộp phạt trên Cổng DVCQG đồng nghĩa phải thay đổi quy trình xử lý vi phạm, cụ thể: Phải có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết vi phạm với Cổng DVCQG và các hình thức trao trả giấy tờ tạm giữ sau khi người vi phạm nộp phạt, không để xảy ra sai sót, thất lạc giấy tờ hoặc phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc này.
Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra phương tiện xe ô tô lưu thông trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn xã Ea Đrơng, huyện Cư M'gar). Ảnh minh họa: Thế Hùng |
Bên cạnh đó, sau khi thực hiện các thao tác trên Cổng DVCQG để nộp phạt thì người vi phạm có thể kiểm tra lại biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt và đối chiếu hành vi vi phạm với các quy định của pháp luật có liên quan; qua đó, có thể giám sát việc xử phạt, tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình nếu việc xử phạt không đúng pháp luật. Ngoài ra, người nộp phạt có thể tìm hiểu các nội dung pháp luật khác trên Cổng DVCQG nhằm nâng cao nhận thức, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra.
Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào người vi phạm cũng có điều kiện để nộp phạt trên Cổng DVCQG bởi phụ thuộc rất nhiều các yếu tố như người vi phạm không biết chữ hoặc biết chữ nhưng không rõ về công nghệ thông tin; người vi phạm không có tài khoản ngân hàng hoặc người vi phạm cố ý bỏ giấy tờ và phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ... Trong trường hợp người vi phạm không đồng ý nộp phạt trên Cổng DVCQG mà muốn nộp phạt trực tiếp thì không thể bắt buộc họ nộp phạt trên Cổng DVCQG. Vì vậy, song song với việc thiết lập quy trình nộp phạt trên Cổng DVCQG thì việc duy trì quy trình nộp phạt truyền thống như hiện nay (người vi phạm đến ngân hàng hoặc kho bạc để nộp phạt, sau đó mang biên lai đến cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết nhận lại giấy tờ tạm giữ) cũng cần được duy trì.
Thiết nghĩ, việc nộp phạt trên Cổng DVCQG là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ 4.0 và xây dựng chính quyền điện tử ở nước ta. Do vậy, sau khi hoàn thành việc thí điểm, cần đánh giá toàn diện, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập để triển khai nhân rộng trên toàn quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện nghĩa vụ, góp phần giảm thiểu các chi phí hành chính và ngăn ngừa tiêu cực trong công tác quản lý hành chính hiện nay.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc