Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên Ea Kiết mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi

09:25, 09/04/2020

Thời gian qua, nhiều thanh niên ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã chủ động tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, vươn lên lập thân lập nghiệp phát triển kinh tế gia đình ngay tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đoàn xã Ea Kiết cho biết, đồng hành với cùng thanh niên, Đoàn xã Ea Kiết đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên vươn lên phát triển kinh tế; trong đó, đã tạo điều kiện cho hai thanh niên tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Khởi nghiệp của Huyện Đoàn Cư M’gar để đầu tư chăn nuôi bò, trồng chanh dây và các loại cây ăn trái. Hiện nay Đoàn xã đang tiếp tục hướng dẫn hai thanh niên làm thủ tục vay vốn Quỹ Khởi nghiệp” để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Đoàn xã đã chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao để áp dụng vào thực tiễn. Từ đó, đã có nhiều đoàn viên thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế mang lại nhiều kết quả tích cực.

Đoàn viên thanh niên  xã Ea Kiết tham quan mô hình nuôi dê của anh  Lê Đình  Mạnh Tùng  (bìa phải).
Đoàn viên thanh niên xã Ea Kiết tham quan mô hình nuôi dê của anh Lê Đình Mạnh Tùng (bìa phải).

Anh Lê Đình Mạnh Tùng (26 tuổi, ở thôn 9) trước đây phụ giúp bố mẹ chăm sóc 1 ha cà phê xen hồ tiêu và điều, tuy nhiên khi giá cả các mặt hàng nông sản này ngày càng xuống thấp, hiệu quả kinh tế không cao, anh trăn trở suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế mới. Nhận thấy nuôi dê nhốt chuồng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình mình, anh Tùng mạnh dạn đầu tư mua 2 con dê cái sinh sản và 8 con dê đực nuôi theo hình thức vỗ béo.

Đến nay, đàn dê của anh đã phát triển ổn định với 22 con dê thuộc các giống dê Bách thảo, Bách thảo lai Boer và dê Boer. Năm 2019 anh Tùng đã xuất chuồng gần 30 con dê thịt thương phẩm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo anh Tùng, nuôi dê khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian và công chăm sóc, thức ăn dễ kiếm; dê lại là loài vật có sức đề kháng khỏe, ít mắc bệnh, nguồn tiêu thụ ổn định. Anh Tùng dự kiến sau khi thu hoạch vụ hồ tiêu năm 2020 sẽ đầu tư chuyển đổi sang nuôi giống dê Boer.

Tương tự, anh Phùng Chiến Công (24 tuổi, ở thôn 9) cũng chọn mô hình nuôi dê nhốt chuồng để phát triển kinh tế. Bắt đầu nuôi cách đây 2 năm với quy mô 4 con dê cái sinh sản (giống Bách thảo lai Boer), đến nay đàn dê của gia đình anh đã tăng lên 40 con. Năm 2019, anh Công đã xuất chuồng 15 con dê thịt, trọng lượng từ 25 - 30 kg/con, thu nhập trên 40 triệu đồng. Hiện anh Công vừa chăn nuôi dê vừa phụ giúp bố mẹ chăm sóc 7 sào đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Anh cũng dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư vốn, chuyển đổi qua nuôi giống dê Boer để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.