Multimedia Đọc Báo in

Ý thức "sống xanh" từ một phong trào

10:16, 04/04/2020

Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong việc bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm do sản phẩm phế thải nhựa gây ra, Đoàn phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) phát động phong trào sáng kiến làm thùng rác, chậu hoa từ vật liệu phế thải và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực.

Bí thư Đoàn phường Tân Tiến Đinh Thị Xuân cho biết: Lốp xe cũ và các sản phẩm bằng nhựa đã qua sử dụng nếu không được xử lý hợp lý sẽ để lại gánh nặng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhận thức rõ điều này và nhằm thi đua lập thành tích chào mừng Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Đoàn phường Tân Tiến đã phát động phong trào sáng tạo mô hình thùng rác, chậu hoa từ vật liệu phế thải (từ ngày 17 đến ngày 26-3) với sự tham gia của đoàn viên, thanh niên 17 chi đoàn trực thuộc (chia thành 4 cụm).

Chi đoàn Quân sự phường Tân Tiến giới thiệu sản phẩm
Chi đoàn Quân sự phường Tân Tiến giới thiệu sản phẩm "Thùng đựng rác, chậu hoa thân thiện môi trường".

Sau gần 2 tuần phát động, từ những chiếc lốp xe ô tô, xe máy cũ, chai nhựa tưởng chừng như bỏ đi, qua  đôi bàn tay khéo léo cắt gọt, lau chùi, sơn sửa, chế tạo của những bạn trẻ ở phường Tân Tiến đã biến thành những thùng đựng rác, chậu hoa đẹp mắt. Chị Phạm Thị Bảo Hòa, Chi đoàn Quân sự phường Tân Tiến vui vẻ nói: “Từ ý nghĩa của phong trào do Đoàn phường phát động, cả nhóm đã lên ý tưởng, tiến hành thu gom lốp xe cũ về sơn sửa, lắp ghép thành thùng đựng rác, chậu hoa đẹp mắt với mong muốn truyền đi thông điệp hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường”.

Ngoài việc sử dụng lốp xe cũ, một số chi đoàn còn tận dụng vỏ lon bia, thùng sơn đã qua sử dụng và dày công tỉ mỉ vẽ màu sắc rực rỡ cùng hình ảnh ngộ nghĩnh tạo ấn tượng “trang điểm” bắt mắt hơn cho các sản phẩm của đơn vị mình. Chị Nguyễn Thị Hồng Chi, Chi đoàn Mầm non Hoa Lan chia sẻ: Sản phẩm của nhóm là thùng đựng rác được tái chế từ lon bia, nước ngọt… những vật liệu đã qua sử dụng và bỏ đi rất dễ tìm thấy. Với sản phẩm này, các cô giáo mầm non mong muốn giúp trẻ nhận biết màu sắc, kích thích sự sáng tạo và định hướng cho các em bảo vệ môi trường.

Đoàn viên, thanh niên phường Tân Tiến tái chế chậu hoa từ vật liệu phế thải.
Đoàn viên, thanh niên phường Tân Tiến tái chế chậu hoa từ vật liệu phế thải.
 

“Thông qua phong trào, Đoàn phường mong muốn tạo sân chơi bổ ích, gắn kết, phát huy tính sáng tạo trong việc tái chế sử dụng vật liệu phế thải, đặc biệt là chất thải nhựa; đồng thời góp phần tuyên truyền, xây dựng ý thức “sống xanh”, gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn…”.

 
 Bí thư Đoàn phường Tân Tiến Đinh Thị Xuân

Đối với sản phẩm chậu hoa, các chi đoàn chủ động tìm kiếm những giống hoa chịu nắng, chịu hạn tốt đem trồng để đảm bảo cây sống lâu và đẹp. Chị Phạm Thị Thùy Linh, Chi đoàn tổ dân phố 4 cho hay: Tận dụng những vật liệu bỏ đi như chai, lọ, hay các thùng sơn, thùng xăng… để làm chậu hoa vừa giảm chi phí, vừa giảm thiểu lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, giúp cho môi trường cảnh quan thêm xanh – sạch – đẹp.

Gần 20 sản phẩm thùng đựng rác, chậu hoa đều được các cụm chi đoàn thực hiện với kiểu dáng mới lạ, đẹp mắt và nhiều ý nghĩa như: thùng đựng rác hình chú lùn cầm cây chổi với chân là những bánh xe di động; thùng rác được làm từ lốp xe cũ có ngăn kéo tiện lợi; chậu hoa xinh xắn với biểu tượng “giọt máu hồng cho đi, một cuộc đời ở lại”… Những sản phẩm này, Đoàn phường Tân Tiến sẽ đặt ở vị trí thích hợp tại các tổ dân phố trên địa bàn.

Cùng với việc phát động phong trào sáng kiến phòng chống rác thải nhựa, Đoàn phường Tân Tiến còn tích cực tuyên truyền, thông tin đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên Bộ quy tắc ứng xử văn minh đô thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bằng những việc làm cụ thể như: hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, vận động cộng đồng thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.