Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn thế hệ trẻ

08:55, 23/11/2020

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, trong những năm qua, các phong trào thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển về quy mô, chất lượng, ghi đậm dấu ấn của tuổi trẻ.

Các cấp bộ Đoàn - Hội đã triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động phát huy tinh thần tình nguyện, sáng tạo của thanh niên vì sự phát triển của cộng đồng. Tiêu biểu như cuộc vận động "Thanh niên sống đẹp, sống có ích", "Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường", "Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng"...

Thông qua việc triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, từ năm 2017 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện được 323 công trình, 4.392 phần việc thanh niên; vận động hơn 28.600 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia hiến máu tình nguyện, thu được trên 16.800 đơn vị máu; trồng 218.250 cây xanh; tổ chức 502 buổi tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông thu hút hơn 49.500 lượt ĐVTN tham gia; đề xuất 17.140 ý tưởng, sáng kiến.

Từ các phong trào, cuộc vận động, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu của tuổi trẻ trên nhiều lĩnh vực.

Sinh viên tình nguyện ôn tập hè cho thiếu nhi xã Ea Dah, huyện Krông Năng.
Sinh viên tình nguyện ôn tập hè cho thiếu nhi xã Ea Dah, huyện Krông Năng.
 

"Toàn tỉnh hiện có gần 120.000 đoàn viên. Đây là lực lượng luôn sống có lý tưởng, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; sẵn sàng đảm nhận những việc mới, việc khó và biết sẻ chia, chung sức cùng cộng đồng xã hội"

 
Anh Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh

Sau khi nghiên cứu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế, năm 2015 chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thành (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) quyết tâm thay thế vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các loại cây ăn trái như ổi, vú sữa, hồng xiêm, dừa, chanh tứ quý... Định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, anh Thành bón phân chuồng đã ủ hoai và dùng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư hoàn toàn hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Đồng thời, trồng cỏ lạc phủ xanh khu vườn như một công cụ hữu hiệu để tăng cường độ xốp cho đất, bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng, tạo ra môi trường thích hợp cho hoạt động của bộ rễ cây trồng. Sau gần 5 năm thực hiện chuyển đổi cây trồng, chàng trai 22 tuổi đã mở rộng mô hình vườn cây ăn trái lên 3 ha với 100 cây dừa xiêm, 400 cây ổi đang trong giai đoạn kinh doanh cùng với vú sữa, hồng xiêm, chanh tứ quý. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư nuôi cá, bán ra thị trường từ 6 - 7 tấn cá các loại, bình quân mỗi năm thu về tổng lợi nhuận trên 400 triệu đồng.

Hơn 7 năm giữ vai trò thủ lĩnh tình nguyện, anh Nguyễn Thái An Đông, Chủ nhiệm Đội thanh niên tình nguyện “Ấm áp tình thương” (huyện Krông Pắc) đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho cộng đồng. Anh và các thành viên trong Đội đã vận động kinh phí từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trao tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Một trong những hoạt động ghi đậm dấu ấn của Đội phải kể đến chương trình “Ấm áp tình thương” nấu 50 suất cơm vào chủ nhật tuần thứ ba hằng tháng để phát cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc. Đến nay, Đội đã tổ chức được 61 chương trình nấu cơm, trao hàng nghìn suất ăn nghĩa tình đến với bệnh nhân nghèo.

 

Đoàn thanh niên Công an huyện Krông Ana hỗ trợ cấp, đổi hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho người dân. 
Đoàn thanh niên Công an huyện Krông Ana hỗ trợ cấp, đổi hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho người dân.

Khắc ghi lời Bác dạy đối với ĐVTN, thời gian qua, tuổi trẻ Công an tỉnh không chỉ là lực lượng nòng cốt, xung kích trong đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn tích cực thực hiện các công trình, phần việc thanh niên hướng về cộng đồng. Trong chiến dịch “Hành quân xanh” được tổ chức thường niên, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã thành lập các đội hình Thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật, phòng chống ma tuý, phòng chống “tín dụng đen”; tổ chức ra quân bóc gỡ, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép các tuyến đường trên địa bàn dân cư; tổ chức làm thủ tục cấp mới, cấp đổi chứng minh nhân dân cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.