Người dân lo lắng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở hồ Ea Súp hạ
Hồ Ea Súp hạ là nguồn nước để tưới tiêu cho nông nghiệp của huyện Ea Súp, đồng thời còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt của 3.000 hộ gia đình và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thị trấn Ea Súp và xã Cư M’lan (huyện Ea Súp). Tuy nhiên hiện nay nguồn nước này có nguy cơ bị ô nhiễm do hoạt động nuôi cá lồng bè và kinh doanh ăn uống bên bờ hồ.
Một người dân (xin giấu tên) bức xúc: “Mọi chất thải từ chăn nuôi cá, gà, vịt, chất thải từ sinh hoạt của con người trên nhà bè, khu vực nhà hàng kinh doanh ăn uống… thải xuống hồ, trong khi đó người dân đang sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt hằng ngày. Hằng tháng ngoài khoản tiền đóng theo đồng hồ nước, người dân còn phải nộp thêm 7% phí bảo vệ môi trường và 0,05% phí dịch vụ môi trường rừng. Gia đình nào sử dụng nước máy nhiều thì tiền phí bảo vệ môi trường và phí dịch vụ môi trường rừng sẽ tăng theo, nhưng trước tình trạng xả thải trên, vẫn chưa thấy ai đến xử lý”.
Nuôi cá lồng bè trên hồ Ea Súp hạ. |
Người dân bức xúc là vậy, nhưng khi trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Văn Thắng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Súp tỏ ra ngạc nhiên: “Không thể có chuyện ô nhiễm, đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe thông tin này. Nếu như hồ Ea Súp hạ bị ô nhiễm thì chúng tôi cũng là người đang bị ảnh hưởng”.
Để minh chứng, ông Thắng và một cán bộ lãnh đạo Phòng đã đi kiểm tra thực tế. Trên mặt hồ có hai nhà nuôi cá lồng bè, mặt hồ phủ kín rong rêu, nước đục ngầu. Phía gần trạm bơm nước lên bể xử lý nước sinh hoạt (của Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk Chi nhánh Ea Súp) là nhà hàng kinh doanh ăn uống sát bên bờ hồ. Chưa kể dọc bờ hồ còn có các loại rác thải như: chai nhựa, bịch nilon…
Như vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại hồ Ea Súp hạ là có thật. Chứng kiến thực tế trên, ông Ngô Văn Thắng lý giải: “Nhà hàng mới mở được hai tháng, tôi đã từng tiếp khách ở đây, không có chuyện vứt rác bừa bãi. Tôi mới về phòng nên không biết các hộ nuôi cá từ bao giờ. Phòng nhiều việc nên không giám sát hết được. Các hộ nuôi cá lồng bè thì do Phòng NN-PTNT huyện quản lý, anh chị nên hỏi bên đó”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, trước đây Trạm Khuyến nông nuôi cá thát lát ở hồ Ea Súp hạ, kể từ đó các hộ nuôi cá lồng bè trên hồ vẫn duy trì. Các hộ này do thị trấn Ea Súp quản lý, Phòng NN-PTNT huyện không liên quan. Việc nuôi cá lồng bè trên nguồn nước sinh hoạt là không tránh khỏi ô nhiễm nguồn nước, nhưng mức độ ô nhiễm ít hay nhiều thôi.
Còn ông Nguyễn Chung Thư, Phó Giám đốc Chi nhánh Quản lý công trình thủy lợi Ea Súp (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk) thì cho biết: Hồ Ea Súp hạ có diện tích mặt nước 240 ha, là hồ trung chuyển nước từ hồ Ea Súp thượng để tưới tiêu cho nông nghiệp, điều tiết lũ, đặc biệt còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Hai nhà nuôi cá lồng bè trên hồ Ea Súp hạ tồn tại từ lâu, nguyên thuộc Đội nuôi trồng thủy sản của Phòng Nông nghiệp cũ. Đơn vị ông đã nhiều lần nêu vấn đề này nhưng không được xem xét.
Trạm bơm nước lên bể xử lý nước cấp sinh hoạt. |
Có thể thấy, việc nuôi cá lồng bè trên hồ đã có từ lâu. Thực tế là các phòng, ban, cơ quan chức năng của huyện Ea Súp đều đã biết. Thế nhưng khi được hỏi về vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về việc cấp phép cho các hộ nuôi thủy sản, kinh doanh ăn uống, cam kết bảo vệ môi trường thì các phòng, ban liên quan đều cho rằng "không phải lỗi của đơn vị mình"!.
Trước những phản ánh của người dân về thực trạng nguồn nước hồ Ea Súp hạ có nguy cơ bị ô nhiễm, mong rằng UBND huyện Ea Súp sớm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý các hộ xả thải ra môi trường; giao trách nhiệm cụ thể đơn vị quản lý để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.
Thanh Nga
Ý kiến bạn đọc