Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình bể lọc nước đơn giản tại cộng đồng ven sông Sêrêpốk

08:32, 04/12/2020

Sau 2 năm thực hiện, mô hình bể lọc nước đơn giản cho các gia đình sống tại buôn Jang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ bao đời nay, người dân buôn Jang Lành có thói quen sử dụng trực tiếp nguồn nước từ sông Sêrêpốk để sinh hoạt. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của các dự án thủy điện, dòng Sêrêpốk chảy qua buôn trở nên tù lắng, kết hợp với chất thải từ đời sống sản xuất của người dân hai bên bờ sông khiến nguồn nước trở nên ô nhiễm, nước có màu vàng đục và mùi khó chịu. Dù một số gia đình đã đầu tư giếng khoan để dùng, nhưng nước chỉ sử dụng để sinh hoạt như tắm, giặt… vì bị nhiễm vôi. Người dân trong buôn phải mua nước bình để nấu ăn uống. Do chi phí cho khoản này khá cao nên rất nhiều hộ phải tiếp tục dùng nước sông để ăn uống.

Bà H’Chúm Niê bơm nước sông vào bể để lọc.
Bà H’Chúm Niê bơm nước sông vào bể để lọc.

Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (WARECOD), một số hộ dân tại buôn Jang Lành bắt đầu làm mô hình bể lọc nước nhỏ bằng bồn nhựa và thành lập một nhóm nòng cốt gồm 10 hộ để thử nghiệm, nếu hoạt động tốt thì sẽ nhân rộng ra các buôn khác. WARECOD hỗ trợ toàn bộ chi phí mua những vật dụng cần thiết và cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn để nhóm có thể tự lắp đặt và tự sửa chữa thay thế khi xảy ra hư hỏng.

Được biết, mô hình bể lọc nước này rất dễ thực hiện, sử dụng các vật liệu sẵn có hoặc dễ mua tại địa phương như: đá, sỏi, than hoạt tính, cát thô, cát mịn, nhưng lại có khả năng lọc tương đối tốt các chất hữu cơ lơ lửng. Chi phí mua bể, vật liệu lọc nước khoảng 1,4 triệu đồng. Bể lọc sử dụng từ 3 - 4 tháng thì vệ sinh một lần để giữ sạch nguồn nước lọc.

Sau khi lắp đặt và đưa vào sử dụng bể lọc, các hộ dân ở buôn Jang Lành đã lọc nước sông, nước hồ và đưa vào sử dụng, có thể đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt cho gia đình. Bà H’Chúm Niê (buôn Jang Lành), một trong những hộ được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này cho biết: “Trước đây tôi thường dùng nước sông để ăn uống, tắm giặt; vì vậy thường hay mắc một số bệnh như: đau mắt đỏ, viêm da, đường ruột… Gia đình tôi đã đào giếng nhưng nước giếng nhiễm phèn không sử dụng được nên lại tiếp tục sử dụng nước sông. Từ khi được hỗ trợ làm bể lọc nước, gia đình tôi đã có nước sạch dùng sinh hoạt”.

Bà Sao Nang Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Na (bên trái) tuyên truyền cách sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước cho người dân.
Bà Sao Nang Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Na (bên trái) tuyên truyền cách sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước cho người dân.

Sau 2 năm thực hiện, nhận thấy mô hình bể lọc nước đơn giản mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã xin lắp bể lọc và được WARECOD hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình. Theo bà Sao Nang Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Na, không chỉ có buôn Jang Lành mà mô hình đã được nhân rộng ra buôn Ea Rông, thôn Thống Nhất… với tổng cộng hơn 40 bể lọc nước. Nhóm nòng cốt tại buôn Jang Lành nhờ được tập huấn và hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ WARECOD nên đã đến tận các buôn khác hỗ trợ người dân lắp ráp và đưa vào sử dụng. Hằng tháng nhóm đều đi kiểm tra, nắm bắt tình hình sử dụng của các hộ dân để báo cáo UBND xã và WARECOD; nếu có hư hỏng thì sửa chữa kịp thời để các hộ dân luôn có nước sạch sử dụng.

Mô hình bể lọc nước như trên dù rất đơn giản nhưng đã phần nào giải quyết được vấn đề nước hợp vệ sinh cho các hộ đang sử dụng nước sông. Đồng thời, qua việc sử dụng mô hình này đã giúp người dân nhận thức và có hành động tích cực trong bảo tồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường xung quanh.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.