Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận buổi tư vấn chọn "nghề"... sĩ quan quân đội

12:15, 05/04/2021

Sự lựa chọn nghề nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi học sinh sau khi rời ghế trường THPT. Có nhiều lý do khác nhau để lựa chọn cho mình một ngành nghề để theo học và gắn bó suốt đời. Những năm gần đây có nhiều học sinh chọn thi vào các trường, học viện trong quân đội.

Nhiều học sinh mong theo học những trường quân đội bởi trong suốt thời gian học tập không lo về chi phí học tập, sinh hoạt và khi ra trường được bố trí công việc. Tuy nhiên, để được dự tuyển vào các trường này, trước hết thí sinh phải bảo đảm các yêu cầu về lý lịch chính trị, tuổi đời và sức khỏe. Hơn nữa, điểm chuẩn để đỗ vào các trường quân đội là khá cao so với mặt bằng chung, nên không phải học sinh nào cũng nắm rõ để lựa chọn phù hợp. Hiểu được điều đó, hằng năm Ban Tuyển sinh Quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng đã có nhiều văn bản hướng dẫn Ban TSQS các địa phương trong cả nước để tuyên truyền, định hướng phù hợp cho học sinh.

Học sinh trên địa bàn huyện Cư M'gar nêu câu hỏi tại buổi tư vấn tuyển sinh quân sự.
Học sinh trên địa bàn huyện Cư M'gar nêu câu hỏi tại buổi tư vấn tuyển sinh quân sự.

Năm nay, Ban TSQS Bộ Quốc phòng đã có buổi tư vấn tuyển sinh tại huyện Cư M’gar - một trong những huyện có số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường trong quân đội nhiều nhất tỉnh. Thầy Lê Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THPT Cư M’gar cho biết: “Những năm gần đây, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được Ban TSQS huyện quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhằm tuyển chọn được người tài, học giỏi, có trình độ, lý lịch tốt để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 3 năm (2018 - 2020), trường có 242 học sinh đăng ký dự thi vào các trường quân đội và có 63 em trúng tuyển".

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong 3 năm (2018 - 2020), toàn tỉnh có 2.264 thí sinh đăng ký dự tuyển vào các học viện, trường trong quân đội và có 605 thí sinh trúng tuyển; riêng năm 2020 có 641 thí sinh vượt qua vòng sơ tuyển để đăng ký dự thi và có 159 thí sinh trúng tuyển.

Tại buổi tư vấn tuyển sinh năm nay, đông đảo học sinh lớp 12 các trường THPT trên địa bàn huyện đã được Ban TSQS cung cấp những thông tin cụ thể, bổ ích. Theo đó, năm 2021, có 17 học viện, nhà trường trong quân đội được Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học quân sự với hơn 5.000 chỉ tiêu. Các trường tiếp tục tuyển sinh theo định hướng chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo và theo quy chế tuyển sinh 2021.

Đến thời điểm này, Ban TSQS Bộ Quốc phòng đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, hướng nghiệp; đồng thời cử cán bộ phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nhằm giúp thí sinh và gia đình nắm vững quy chế, thông tin liên quan đến tuyển sinh vào các trường quân đội, trong đó điểm đặc biệt là muốn dự thi tuyển thì trước đó thí sinh phải qua vòng sơ tuyển, đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng.

Các em tham dự cũng mạnh dạn hỏi thêm những điều mình quan tâm để được giải đáp thấu đáo. Em Niê Phan Hồng Nhung (lớp 12A14, Trường THPT Cư M'gar) băn khoăn việc gia đình theo đạo Công giáo thì có được thi vào trường quân đội không? Đại diện Ban TSQS Bộ Quốc phòng khẳng định, theo quy định tuyển sinh, không có quy định nào cấm người theo đạo dự thi vào các trường quân đội. Vì vậy, thí sinh theo đạo vẫn có thể đăng ký dự thi nhưng phải đáp ứng đầy đủ các quy định sơ tuyển như: sức khỏe, chiều cao, lý lịch rõ ràng... Em Nguyễn Bảo Quế Trân (học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Trãi) hỏi rằng em rất muốn được trở thành nữ sĩ quan nhưng chỉ tiêu tuyển sinh nữ thấp, trong khi tỷ lệ “chọi” khá cao, do đó em muốn tình nguyện nhập ngũ thì cần những tiêu chuẩn nào? Đại diện Ban TSQS Bộ Quốc phòng cho biết, chỉ tiêu tuyển nữ sĩ quan năm nay của các trường trong quân đội là các học viện: Quân y, Kỹ thuật Quân sự, Hậu cần, vì vậy em có thể đăng ký dự thi. Còn với việc tuyển nữ tham gia nghĩa vụ quân sự cần có chỉ tiêu cụ thể được Bộ Quốc phòng giao cho các địa phương…

Đại diện Ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng giải đáp các câu hỏi của học sinh.
Đại diện Ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng giải đáp các câu hỏi của học sinh.

Ghi nhận các em đã mạnh dạn tìm hiểu và có mong muốn được thử sức với các trường quân đội,  Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng Phòng Tổng hợp, Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Thư ký Ban TSQS Bộ Quốc phòng lưu ý: trở thành bộ đội, các em sẽ sống và làm việc trong môi trường có kỷ luật nghiêm khắc. Người sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người lính Cụ Hồ phải sẵn sàng đi bất kỳ nơi đâu, nhận bất kỳ nhiệm vụ nào kể cả nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Do đó, khi xác định vào quân ngũ thì không được hối hận, dù có khó khăn, thử thách nào đi chăng nữa cũng phải quyết tâm và cố gắng vượt qua, môi trường quân đội không dành cho kẻ lười biếng và thiếu quyết tâm...

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.