PHÒNG CẢNH SÁT GIAO THÔNG (CÔNG AN TỈNH):
Tăng cường xử phạt lỗi đi lấn phần đường, làn đường
Trong những năm qua, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường quy định luôn chiếm tỷ lệ cao nhất; riêng trong năm 2010, nguyên nhân này cũng chiếm đến 44,9% số vụ tai nạn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, trong số 17 vụ tai nạn giao thông trong dịp tết Nguyên đán Tân Mão vừa qua thì có đến 9 vụ xảy ra do lỗi này.
Đi không đúng phần đường, làn đường quy định là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao. |
Trước tình hình trên, từ ngày 8-2-2011, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã triển khai chuyên đề xử lý hành vi vi phạm lấn phần đường, làn đường ở các tuyến đường chính trong nội thành phố đã được sơn, kẻ vạch và có biển báo hướng dẫn … Trong những ngày đầu ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường Nguyễn Chí Thanh và đường Nguyễn Tất Thành. Riêng đường Nguyễn Tất Thành được tập trung lực lượng xử lý liên tục từ ngày 9-2 đến nay bởi đây là một trong số những tuyến đường chính có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn trong nội thành thành phố. Con đường này là đường 2 chiều lớn nhất có dải phân cách cố định với chiều dài gần 3 km, được chia làm 3 làn đường. Làn đường thứ nhất dành cho xe ô tô con (từ 9 chỗ trở xuống), làn đường thứ hai dành cho xe tải và xe khách, làn đường thứ ba dành cho xe mô tô, xe gắn máy và xe thô sơ. Quy định này đã được thể hiện rất rõ tại các biển chỉ dẫn đặt cố định tại các ngã tư của tuyến đường này. Thế nhưng, ngay trong buổi đầu tiên ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn phải làm việc khá vất vả vì vừa phải xử lý vừa phải tuyên truyền cho rất nhiều người điều khiển phương tiện trên đường Nguyễn Tất Thành vi phạm lỗi này. Và có một thực tế rất đáng cảnh báo nữa là đa phần người tham gia giao thông đều không biết mình được đi ở làn đường nào vì chưa hiểu luật và không chịu quan sát biển báo. Người vi phạm không chỉ là người điều khiển xe máy mà còn có cả người điều khiển xe ô tô, và nguy hiểm hơn là cả người điều khiển xe khách. Vì vậy, tình trạng người điều khiển xe máy lấn sang làn đường của xe tải và xe khách; xe tải, xe khách và xe ô tô con lấn sang làn đường của nhau xảy ra khá phổ biến. Khi được hỏi thì họ đều cho biết chỉ nghĩ đơn thuần là đường rộng, đẹp nên cứ thoải mái chạy trong khi phần lớn trong số họ đều đã có giấy phép lái xe và đã được học Luật giao thông. Đáng buồn hơn nữa là nhiều người bị cảnh sát giao thông dừng xe để xử lý nhưng vẫn không biết mình đã vi phạm lỗi gì. Khi chúng tôi hỏi một người dân vi phạm vừa bị cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe và cho xe lên vỉa hè là có biết mình vi phạm lỗi gì không thì họ đều trả lời là không biết tại sao. Thậm chí có nhiều trường hợp được các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông giải thích rõ ràng, cụ thể về hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn rất vô tư nói rằng từ lâu nay họ vẫn đi như vậy và họ cứ nghĩ làn đường thứ hai là dành cho xe máy, làn đường ngoài cùng dành cho xe thô sơ. Chỉ trong hai ngày đầu ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 428 trường hợp vi phạm lỗi đi lấn phần đường, làn đường.
Việc tăng cường xử lý song song với công tác tuyên truyền quy tắc của Luật Giao thông đường bộ về phần đường, làn đường được kỳ vọng là sẽ giúp chấn chỉnh hành vi, nâng cao ý thức chấp hành cho người dân từ đó góp phần giảm thiểu các vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra do nguyên nhân đi sai phần đường quy định. Song như Đại úy Nguyễn Cộng Hòa, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 2 - Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) chia sẻ: “Tai nạn giao thông do lỗi đi lấn phần đường, làn đường có giảm được hay không thì chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Ý kiến bạn đọc