Multimedia Đọc Báo in

Trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động: Hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động

09:20, 15/09/2013
Tình trạng doanh nghiệp, thậm chí cả các cơ quan nhà nước trốn, nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho nhân viên, người lao động (NLĐ) hiện nay là khá phổ biến và ngày có xu hướng gia tăng đáng báo động. Điều này gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ và gây ra hậu quả tiêu cực cho xã hội.

Theo quy định, đối với NLĐ làm việc từ 3 tháng trở lên, doanh nghiệp (DN) phải có trách nhiệm đóng BHXH cho họ. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN sử dụng lao động theo mùa vụ, DN vừa và nhỏ, phần lớn không được đóng BHXH cho NLĐ.

Các hậu quả tiêu cực do không đóng BHXH cho NLĐ đã quá rõ ràng. Đó là sẽ hình thành một tầng lớp đông đảo người dân không có lương hưu khi hết tuổi; không được hưởng chế độ BHYT hoặc chế độ thai sản khi sinh con. Đặc biệt, nhiều NLĐ do DN nợ BHXH nên không được cơ quan BHXH chốt sổ gây khó khăn cho việc đi xin việc ở các DN mới. Ngoài ra, việc chậm đóng, nợ BHXH làm cho NLĐ có nguy cơ mất hết số tiền đã đóng trước đó do DN bỏ trốn, giải thể không tìm ra địa chỉ...

Nếu Nhà nước không sớm có sự quan tâm đặc biệt, có chính sách quyết liệt, hiệu quả để khắc phục thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo công nhân, NLĐ và sự phát triển của đất nước.

Để khắc phục tình trạng này theo chúng tôi cần triển khai đồng bộ các biện pháp sau:

Thứ nhất, kiên quyết đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, rút giấy phép kinh doanh, không tái cấm phép đối với các DN chậm nộp, trốn đóng BHXH cho NLĐ; coi đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả, khả thi nhất hiện nay.

Thứ hai, điều chỉnh mức lãi suất chậm đóng BHXH theo hướng phù hợp hơn, theo đó nâng mức lãi suất chậm đóng BHXH từ 14,2% cố định như hiện nay lên mức gấp đôi mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố theo định kỳ hoặc phạt chậm nộp thật cao. Việc này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng chây ỳ, chậm đóng BHXH cho NLĐ để chiếm dụng vốn của các DN.

Thứ ba, trao cho cơ quan BHXH được thực hiện xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BHXH. Bởi theo Luật Quản lý BHXH hiện hành thì việc xử phạt do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện. Chính vì điều này gây ra những bất cập khó khăn nhất định trong việc xử lý đối với các DN vi phạm pháp luật về BHXH. Bên cạnh đó, trường hợp cơ quan BHXH khởi kiện ra Tòa án, thì Tòa án các cấp cần quan tâm thụ lý, giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vụ việc nhằm răn đe, phòng, ngừa làm gương cho các DN khác, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa phù hợp để chống việc trốn đóng BHXH của các DN. Đó là NLĐ làm việc từ đủ 6 tháng/năm thì DN phải đóng BHXH cho NLĐ. Tránh tình trạng DN chỉ ký hợp đồng 3 tháng/lần để lách luật trốn đóng BHXH cho NLĐ như hiện nay.

Thứ năm, cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, theo đúng chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mình là bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, các tổ chức công đoàn phải tham gia vào các vụ việc khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ nếu có yêu cầu. Bởi vì, nhiều NLĐ hiện nay trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn nên không thể tự mình bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Phạm Văn Chung

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.