Multimedia Đọc Báo in

Một văn bản, mỗi nơi thực hiện một kiểu

09:15, 21/11/2019

Ngày 30-9-2016 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành văn bản số 1386/SGDĐT-KHTC về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng và trang phục đối với giáo viên thể dục.

Theo đó, giáo viên thể dục chuyên trách được cấp mỗi năm 2 bộ quần áo thể thao dài tay, 2 đôi giày thể thao, 4 đôi tất thể thao, 4 áo thể thao ngắn tay, quy ra số tiền là 2,7 triệu đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các giáo viên dạy thể dục chuyên trách tại một số trường học trên địa bàn huyện Krông Bông thì mỗi năm họ chỉ nhận được 1.380.000 đồng. Nhiều giáo viên đã bày tỏ thắc mắc với Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông thì nhận được câu trả lời là do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện chỉ bố trí mức hỗ trợ như vậy.

Ảnh minh họa
(Ảnh minh họa)

Trao đổi với phóng viên về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Pháp, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Krông Bông cho biết, hằng năm, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện căn cứ vào nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho địa phương để tham mưu với UBND huyện cân đối phân bổ về các đơn vị thuộc thẩm quyền. Đối với các trường học, ngoài việc cấp kinh phí chi thường xuyên thì những năm gần đây, huyện hỗ trợ thêm về chế độ trang phục cho 56 giáo viên thể dục chuyên trách (1.380.000 đồng/người/năm) và 4 giáo viên thể dục kiêm nhiệm (690 nghìn đồng/người/năm). Để có nguồn hỗ trợ này, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đã cân đối từ nguồn ngân sách không tự chủ của địa phương và nằm trong danh mục ngoài khoản chi thường xuyên cho các trường. Trong thời kỳ ổn định về nguồn ngân sách bố trí cho địa phương hằng năm thì huyện không thể cân đối nguồn chi bảo đảm đủ theo văn bản số 1386 quy định.

Trong khi đó, những năm qua trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các giáo viên thể dục chuyên trách vẫn nhận đủ số tiền 2,7 triệu đồng/người/năm theo văn bản số 1386 của Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Buôn Ma Thuột thì việc thực hiện văn bản 1386 đều do các trường tự cân đối kinh phí chi thường xuyên để thực hiện. Phòng Tài chính - Kế hoạch không chi thêm khoản này.

Tại sao cùng một văn bản nhưng mỗi địa phương lại thực hiện theo mỗi kiểu khác nhau như vậy? Trả lời vấn đề này, ông Biện Văn Minh, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính - Sở GD-ĐT cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg, ngày 16-11-2012 (gọi tắt là Quyết định số 51) quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao thì Sở GD-ĐT đã triển khai về các đơn vị trực thuộc để thực hiện. Tuy nhiên, do Quyết định số 51 chỉ quy định về số lượng trang phục gồm quần áo, giày và tất hỗ trợ cho giáo viên thể dục thể thao nên đã xảy ra tình trạng một số đơn vị trường học chưa thống nhất kinh phí hỗ trợ. Nhiều giáo viên mua trang phục với hóa đơn thanh toán khá cao. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã tham khảo kinh nghiệm của một số ngành và giá cả bình quân trên thị trường để thống nhất ban hành văn bản số 1386. Theo đó, mức chi đối với giáo viên thể dục chuyên trách là không quá 2,7 triệu đồng/người/năm và giáo viên thể dục kiêm nhiệm là không quá 1,35 triệu đồng/người/năm. Khoản kinh phí này nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ của các trường học mà ngân sách địa phương phân bổ về hằng năm. Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện chi riêng cho khoản chi này là không đúng.

Ông Biện Văn Minh cũng thừa nhận: "Có thể một số nội dung trong văn bản số 1386 chưa rõ ràng khiến các địa phương có cách hiểu khác nhau. Chúng tôi ghi nhận và sớm chỉnh sửa sao cho dễ hiểu, chi tiết hơn theo hướng: Đề nghị các trường bố trí trả chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao căn cứ theo nguồn ngân sách chi thường xuyên của đơn vị; đồng thời, quy định mức tiền cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình".

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.