Multimedia Đọc Báo in

Cần phải nghĩ khi cầm ly bia

09:36, 07/01/2020

Những ngày gần đây, vấn đề xử phạt người điều khiển phương tiện đã uống rượu bia đang được dư luận hết sức quan tâm. Đây là "đề tài" được bàn luận sôi nổi ở những cuộc gặp mặt của hầu hết các tầng lớp nhân dân.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30-12-2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 đã nâng mức xử phạt người uống rượu, bia còn điều khiển phương tiện giao thông lên rất cao.

Mức phạt tiền đối với người điều khiển ô tô (cao nhất 40 triệu đồng), xe máy (cao nhất 8 triệu đồng) và cả xe đạp (cao nhất 600.000 đồng), đi cùng với đó là hình thức phạt bổ sung như tước Giấy phép lái xe (mức cao nhất 24 tháng), tạm giữ phương tiện.

Chế tài mạnh và nếu để ý thì sẽ thấy Nghị định 100 gần như có hiệu lực ngay lập tức (chỉ sau hai ngày ban hành mà thông thường thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp Trung ương) do được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Song song đó là Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia năm 2019 cũng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, trong đó nghiêm cấm hoàn toàn lái xe khi đã uống rượu, bia. Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26-5-2016 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa có quy định cấm và xử phạt đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở và chưa có quy định cấm người đi xe đạp có nồng độ cồn. Có thể nói các quy định mới đã kịp thời lấp “khoảng trống” nêu trên tại Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46.

Thực hiện Nghị định 100 cũng đồng thời phải thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Nói cách khác, việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia đã được “luật hóa”. Việc phải thực hiện nghiêm các quy định bởi đã thành “Luật” (tức là có những quy định về sự cưỡng chế pháp lý mà ít nhất là bị xử phạt hành chính nếu vi phạm) cùng với việc "đánh" trực diện vào "ví tiền" như Nghị định 100 đã quy định, thực sự khiến nhiều người phải đắn đo khi thực hiện hành vi của mình.

Rõ ràng, những quy định đã thực sự đủ mạnh. Điều quan trọng hiện nay là tất cả các bên liên quan phải thực hiện nghiêm; cơ quan chức năng xử lý nghiêm kết hợp với truyền thông, giáo dục… thì những quy định này chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống thành công, góp phần thay đổi và tiến đến chấm dứt hành vi lái xe khi đã uống rượu bia.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.