Multimedia Đọc Báo in

Chuyển hồ sơ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền như thế nào cho đúng?

17:34, 14/03/2020

Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-6-2019.

Tuy nhiên, qua công tác triển khai thực hiện của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát sinh cách hiểu chưa thống nhất đối với quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP và quy định về chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP thì “Cơ quan kiểm lâm các cấp ở địa phương có trách nhiệm tham mưu cho ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Điều này”, nhưng hiện nay có hai cách hiểu về áp dụng quy định này trong chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính đề nghị Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt, dẫn đến chưa thống nhất trong xử lý đối với các vụ vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp do các ngành khác (không phải là cơ quan kiểm lâm) thụ lý ban đầu nhưng vụ vi phạm vẫn thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND các cấp.

Cụ thể, cách hiểu thứ nhất cho rằng, đối với các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp do các ngành khác thụ lý ban đầu nhưng vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp thì cơ quan đó phải chuyển hồ sơ cho cơ quan kiểm lâm để tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp (có thẩm quyền xử phạt) ban hành quyết định xử phạt; cách hiểu thứ hai thì cho rằng, đối với các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp do các ngành khác thụ lý ban đầu nhưng vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp thì cơ quan đó phải chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND cùng cấp (có thẩm quyền xử phạt) ban hành quyết định xử phạt (không thông qua cơ quan kiểm lâm).

 

Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 824 thuộc địa phận xã Cư San (huyện M'Đrắk). Ảnh: Tiến Ninh
Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 824 thuộc địa phận xã Cư San (huyện M'Đrắk). Ảnh: Tiến Ninh

Liên quan đến vấn đề này, xin phân tích các quy định của pháp luật để làm rõ các nội dung liên quan như sau:

Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, tại điểm b khoản 4 Điều 52 về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có quy định: “Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt”. Tại đoạn 2 khoản 3 Điều 58 về lập biên bản vi phạm hành chính có quy định: “… trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt”.

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đối với vụ việc vi phạm hành chính, trong quá trình thụ lý, giải quyết mà người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc xác định không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình (về áp dụng mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả), thì phải chuyển ngay hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt và Luật không có quy định chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan quản lý chuyên ngành không có thẩm quyền xử phạt do vượt quá thẩm quyền để tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, những người có thẩm quyền của các cơ quan: kiểm lâm, thanh tra chuyên ngành, công an nhân dân và chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, có quyền áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này, mà không bị hạn chế về thẩm quyền như đối với các lực lượng khác chỉ được xử phạt đối với một số hành vi vi phạm được quy định tại một số điều của nghị định, gồm: Bộ đội Biên phòng (quy định tại khoản 2 Điều 34), Cảnh sát biển (quy định tại khoản 3 Điều 34), Quản lý thị trường (quy định tại khoản 4 Điều 34), Hải quan (quy định tại khoản 5 Điều 34).

Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định “Cơ quan kiểm lâm các cấp ở địa phương có trách nhiệm tham mưu cho ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Điều này”, được hiểu là đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp ở địa phương do cơ quan kiểm lâm trực tiếp phát hiện, xử lý được phân cấp theo hướng cơ quan kiểm lâm ở cấp nào thì được giao trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Quy định này được thực hiện trong nội bộ ngành dọc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan kiểm lâm ở địa phương; đồng thời, tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP cũng quy định việc “Xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính”. Do đó, trong trường hợp đối với các vụ vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp do các ngành khác thụ lý ban đầu, nhưng xác định vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền, thì các ngành này phải chuyển hồ sơ đề nghị chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt.

Nếu cách hiểu vẫn không thống nhất thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”, tức là áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về chuyển hồ sơ vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền đến người có thẩm quyền xử phạt.

Nguyễn Tuấn Quang

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.