Multimedia Đọc Báo in

Lo ngại nạn taxi "dù" (Kỳ 1)

06:03, 28/07/2020

Thời gian qua, xe taxi “dù” hoạt động phổ biến không chỉ tại TP. Buôn Ma Thuột mà còn xuất hiện tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi.

Kỳ 1: Nở rộ taxi “dù”

Với nhiều chiêu thức hoạt động nên hầu như taxi “dù” ít khi bị lực lượng chức năng kiểm tra xử lý. Do vậy, loại hình này ngày càng nở rộ và hoạt động công khai ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Taxi “dù” hoạt động công khai

Taxi "dù" mà chúng tôi nói đến ở đây là những loại xe từ 4 đến 7 chỗ ngồi, thực hiện đón, trả khách công khai nhưng không có giấy phép kinh doanh. Cũng giống như taxi chính hiệu, taxi “dù” chủ yếu hoạt động đón khách ở những khu vực đông người như bệnh viện, bến xe, trường học... Về hình thức nhận diện, có xe không gắn "mào" hay dán tem mác, bề ngoài hoàn toàn như xe cá nhân bình thường, nhưng có số điện thoại liên hệ dán hai bên thành xe, hành khách chủ yếu là người quen hoặc được giới thiệu qua người trung gian.

Hằng năm, khi số lượng xe cá nhân trên địa bàn tỉnh tăng cao, đồng nghĩa với số lượng xe gia đình đưa ra hoạt động kinh doanh rất lớn, xuất hiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đơn cử như tại huyện Ea H’leo, taxi “dù” xuất hiện khá nhiều ở khu vực đường Giải Phóng, Điện Biên Phủ… bất kể ngày đêm. Theo tìm hiểu, ở đây có hơn 20 taxi "dù" thường đậu đỗ, tranh giành khách của taxi chính hãng. Đặc biệt là tại Quốc lộ 14 (đoạn trước Bưu điện huyện), khoảng 4 - 5 giờ sáng hằng ngày, khi các xe đường dài về trả khách ở đây thì khu vực này trở thành “bãi” đậu “taxi”, việc đón khách diễn ra nhộn nhịp.

Từ số điện thoại của người quen giới thiệu, chúng tôi liên hệ với chủ nhân taxi “dù” tại trung tâm thị trấn Ea Drăng. Sau cuộc gọi chỉ chừng vài phút, một chiếc “taxi” đã đến đón chúng tôi. Gọi là taxi nhưng xe này không có phù hiệu, logo, đồng hồ. Tài xế xe này cho biết, đây là xe riêng, không vào hãng taxi nào mà chỉ chạy ngoài, khách đi xe thỏa thuận được giá cả là chạy, thỉnh thoảng có lực lượng chức năng nhắc nhở, yêu cầu cam kết không chở khách khi chưa đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, hiếm hoi lắm mới bị công an “hỏi” nên những xe cá nhân như vậy vẫn hoạt động bình thường, không bị xử lý.

Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm trật tự vận tải.
Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm trật tự vận tải.

Cũng tại huyện Ea H’leo, chúng tôi bắt một xe khác từ khu vực Bệnh viện Đa khoa huyện, tài xế cũng xưng là lái xe taxi, nhưng theo quan sát trên xe chỉ có một dấu hiệu để nhận diện là đồng hồ tính tiền. Điều đáng nói ở đây là thay vì đặt ở vị trí dễ nhìn thì đồng hồ tính tiền của xe này lại được đặt ở chỗ rất kín đáo, phải thật tinh mắt mới nhìn thấy được. Chúng tôi trả giá từ Ea H’leo về TP. Buôn Ma Thuột với mức 500 nghìn đồng, nhưng thanh toán bằng voucher (phiếu giảm giá) thì tài xế ra giá 700 nghìn đồng mới chở.

Xưng danh, gắn mác taxi chính hãng

Tại thị xã Buôn Hồ, tình trạng taxi “dù” cũng rất nhộn nhịp. Theo một tài xế ở đây, trên địa bàn có khoảng 40 taxi “dù” hoạt động. Cũng với hình thức đậu, đỗ gần cơ quan công sở, bến xe, bệnh viện, bưu điện, ngân hàng... – nơi có nhiều người đi lại để dễ dàng “bắt” khách. Khi thấy các dấu hiệu vẫy xe thì lái xe nhanh chóng tiếp cận, hỏi quãng đường đi, ngã giá. Trường hợp khác, tài xế nhận điện thoại của khách, sau đó lên xe sẽ thỏa thuận giá, khách dễ tính thì chỉ việc chạy, tài xế lấy bao nhiêu thì tùy.

Cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi gọi điện cho một tài xế taxi “dù” đón tại Bến xe thị xã Buôn Hồ về Giáo xứ Vinh Quang (thuộc phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ), với quãng đường tầm hơn 9 km. Khi lên xe, tài xế tự giới thiệu lái xe của Hãng Mai Linh (!?), nhưng khi chúng tôi thỏa thuận thanh toán tiền xe bằng voucher của hãng thì tài xế từ chối và lộ ra đây là xe cá nhân. Khi thắc mắc xe không gắn đồng hồ thì lấy cơ sở nào để tính tiền cho khách, tài xế giải thích trên xe có công-tơ-mét, khách đi bao nhiêu trả bấy nhiêu.

Với hành trình di chuyển tầm hơn 9 km trên chiếc xe 7 chỗ này, chúng tôi trả 120 nghìn đồng. Theo tìm hiểu, đây là mức giá tương đương với taxi chính hãng. Cũng từ tài xế này, khi chúng tôi thăm dò giá từ thị xã Buôn Hồ về trung tâm TP. Buôn Ma Thuột thì được cho biết là khách phải trả 350 nghìn đồng/lượt. Khi bị thắc mắc giá cao, tài xế phản ứng nhanh: “Đây là giá bọn em tính, chứ đồng hồ đài của các hãng là hơn 500 nghìn đồng”. Điều này đồng nghĩa, nếu khách đi những loại xe này, nếu biết cách trả giá thì sẽ được đi với mức phí thấp hơn các hãng taxi, ngược lại với những chặng ngắn, có thể bị “chặt chém” với giá “cắt cổ”.

Taxi
Taxi "dù" đón khách tại khu vực Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H'leo.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, tình trạng xe gắn mác, giả thương hiệu taxi chính hãng cũng khá phổ biến. Khách đi xe chỉ biết được khi xảy ra bất đồng trong việc thanh toán tiền xe hoặc cử chỉ, thái độ của tài xế với khách. Đơn cử, đầu năm 2020, từ phản ánh của một người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột về thái độ phục vụ của lái xe BKS 47A-321.xx giả danh là người của Hãng Mai Linh Đắk Lắk, đơn vị đã nhanh chóng xác minh thì xe này gắn "mào" taxi mang thương hiệu của hãng, chứ không đăng ký hoạt động kinh doanh. Tương tự, xe BKS 51H-178.xx hoạt động chủ yếu khu vực TP. Buôn Ma Thuột sử dụng "mào" taxi trên nóc xe và số điện thoại tổng đài “1055” của một hãng taxi chính hãng. Ngoài ra, chiếc xe này còn dán đầy đủ số điện thoại hai bên thành, tên hãng hai bên thành xe để khách nhầm tưởng đó là taxi chính hãng, nhưng thực tế không phải vậy.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Sớm lập lại trật tự vận tải

Xuân Trường - Minh Kiệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.