Lo ngại nạn taxi "dù" (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Cần sớm lập lại trật tự vận tải
Thực trạng xe "dù" hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải mà khách đi xe cũng đối mặt với những rủi ro, phiền toái.
Nhiều hệ lụy
Theo đại diện các hãng taxi, tình trạng taxi “dù” diễn ra ngày càng nhiều, một số xe còn dán cả phù hiệu, logo của taxi chính hãng, khách hàng không thể nhận biết. Nhiều xe còn dán cả "mào" khi chờ khách, đồng hồ cũng có sẵn nhưng để kín phía dưới gầm ghế hoặc sàn xe. Các tài xế này sẵn sàng nhận voucher (phiếu giảm giá) của khách sau đó liên kết với lái xe của các hãng taxi để thanh toán theo kiểu ăn chia phần trăm chênh lệch. Đa phần những chủ xe này trước đây chạy hoặc liên kết với các hãng taxi. Khi quen khách, các tài xế bỏ hãng ra ngoài chạy riêng để không phải đóng thuế, phí.
Xe "dù" tấp vào lề đường đón khách khu vực bến xe Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ). |
Tình trạng taxi “dù” chạy phá giá đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, doanh thu của các hãng taixi thương hiệu. Bà Lưu Thị Linh Trang, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Sun taxi tại Đắk Lắk cho biết, năm 2015, chi nhánh có 120 xe, bình quân doanh thu đạt 1,2 triệu đồng/xe/ngày. Hiện tại, đầu xe của đơn vị giảm còn 65 xe, doanh thu giảm mạnh, chỉ còn 600 – 700 nghìn đồng/xe/ngày, có thời điểm 350 nghìn đồng/xe/ngày. Chi nhánh phải bỏ bớt trạm giao ca, giảm nhân sự và cắt giảm tối đa chi phí hoạt động.
Tương tự, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk tầm 2 năm trở lại đây, số lượng xe ở các trạm giao ca giảm rất nhiều. Đơn cử trạm giao ca thời điểm nhiều có 60 xe, hiện tại chỉ còn 37 xe; trạm Ea H'leo cao điểm gần 50 xe, hiện tại còn 30 xe; trạm Ea Kar cao điểm có 60 xe, hiện còn 35 xe… Ông Cao Anh Sáng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk cho biết, doanh thu các xe của hãng giảm từ 50 - 70% so với trước đây, một phần do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do xe gia đình, taxi “dù” nở rộ, hoạt động công khai, phá giá. Thậm chí một số xe gắn mác taxi Mai Linh để đón khách.
Năm 2018, Sở Giao thông vận tải có đề xuất tỉnh lắp đặt hệ thống camera an ninh tại 10 vị trí "nóng" về tình trạng “xe dù bến cóc” trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để quản lý, xử phạt "nguội”, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, thực hiện. |
Trong khi đó, đối với hành khách đi trúng taxi “đểu” sẽ khó tránh khỏi những rủi ro. Trong trường hợp khách lỡ quên tài sản, giấy tờ trên xe thì khả năng tìm lại rất khó vì không có cơ quan chủ quản. Chưa kể, trong trường hợp tai nạn giao thông xảy ra, nếu sử dụng xe không đăng ký kinh doanh thì mọi thiệt hại, hậu quả, hành khách là người phải gánh chịu.
Cơ quan chức năng kêu "khó"
Sở Giao thông vận tải (GTVT) nhận định, tình trạng xe “dù” giả danh taxi thương hiệu diễn ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung rất phức tạp. Sở thường xuyên chỉ đạo Thanh tra Sở, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp và xử lý quyết liệt hiện tượng xe "dù”.
Taxi "dù" trả khách khu vực thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H'leo). |
Tuy nhiên, theo ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra Sở GTVT, thẩm quyền dừng xe chở khách của Thanh tra Sở còn hạn chế, chỉ được dừng khi “bắt quả tang” xe đang đón, trả khách sai quy định hoặc các hành vi dừng xe không đúng quy định theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong khi đó, lực lượng Thanh tra Sở rất mỏng, phương tiện thiếu, chỉ bố trí 1 xe ô tô chuyên dùng để làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự vận tải, trật tự ATGT tại TP. Buôn Ma Thuột. Khi xe Thanh tra ở chỗ này thì xe vi phạm lẩn tránh đi chỗ khác, hoặc đậu, đỗ không thực hiện đón, trả khách nên rất khó phát hiện. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra vi phạm, các xe “dù” chở khách di chuyển với tốc độ rất nhanh, manh động, liều lĩnh. Khi phát hiện lực lượng chức năng, có những đối tượng lùi xe quay đầu trốn chạy và di chuyển với tốc độ rất cao khi bị truy đuổi.
Từ thực trạng trên cho thấy, nhiệm vụ dẹp nạn xe “dù”, bến "cóc” không chỉ là của lực lượng chức năng mà cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp. Trong đó, giải pháp cấp bách nhất hiện nay là tỉnh cần sớm triển khai việc lắp đặt hệ thống camera tại các điểm “nóng” có nhiều xe “dù” hoạt động để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, từng bước lập lại trật tự ATGT, trật tự vận tải trên địa bàn.
Xuân Trường - Minh Kiệt
Ý kiến bạn đọc