Thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ: Mạnh tay đấu tranh, đẩy lùi "tín dụng đen"
Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg, ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (gọi tắt là Chỉ thị 12), kết quả cho thấy nạn "tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh đã được hạn chế.
Theo đánh giá của Công an tỉnh, những năm gần đây, tình trạng hoạt động "tín dụng đen” diễn biến phức tạp từ thành thị đến các thôn, buôn, vùng sâu vùng xa. Các loại tội phạm hình sự liên quan đến hoạt động "tín dụng đen” chủ yếu là: cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… Loại tội phạm này hoạt động với thủ đoạn tinh vi, núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty vệ sĩ, cho vay không thế chấp, cho thuê xe… và thường chỉ thỏa thuận "miệng" lãi suất với người vay mà không ghi vào giấy vay nợ. Đặc biệt, một số băng nhóm gồm nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự từ các tỉnh thành phía Bắc vào đã làm phức tạp tình hình, gây mất trật tự an toàn xã hội. Nhiều nạn nhân của "tín dụng đen” không có khả năng trả nợ phải bỏ nhà đi nơi khác, vượt biên trái phép hoặc vi phạm pháp luật.
Công an tỉnh xử lý nhóm đối tượng hoạt động "tín dụng đen". Ảnh: Trường Minh |
Thực hiện Chỉ thị 12, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động này. Kết quả, sau một năm triển khai thực hiện, lực lượng công an đã phát hiện đấu tranh, triệt xóa, làm tan rã 25 nhóm, với 106 đối tượng và 83 đối tượng hoạt động riêng lẻ liên quan đến "tín dụng đen”. Trong đó, đã khởi tố 3 vụ, 5 bị can về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và xử lý hành chính 14 đối tượng. Một số vụ án điển hình liên quan đến "tín dụng đen” như: Ngày 8-10-2019, Công an tỉnh bắt giữ đối tượng Phạm Xuân Tĩnh (trú thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Đối tượng này đã cho nhiều người dân vay tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 180% năm), thu lợi bất chính hơn 600 triệu đồng. Một vụ việc khác là ngày 16-12-2019, cơ quan công an phát hiện, bắt giữ hai đối tượng gồm Đỗ Văn Dũng và Phạm Xuân Quang (cùng trú phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng), thu giữ 36 hồ sơ, 6 sổ ghi chép liên quan đến hoạt động cho vay. Hai đối tượng này đã cấu kết với những người khác cho vay theo nhiều hình thức khác nhau, mức lãi suất cho vay từ 182,5% - 240%/năm.
Nhằm hạn chế nạn "tín dụng đen”, các cơ quan chức năng cũng giám sát chặt chẽ quy trình đăng ký, cấp phép hành nghề đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật, nhất là những ngành nghề thường liên quan đến "tín dụng đen”. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện những giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ đời sống, kinh doanh; tăng cường hiệu quả hoạt động cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm, Quỹ hỗ trợ nông dân, thanh niên, phụ nữ…
Từ sau khi Chỉ thị 12 được ban hành đến nay, toàn tỉnh có 160 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới thuộc ba nhóm nghề liên quan đến "tín dụng đen” gồm: cầm đồ, cho vay tài chính và đòi nợ. Qua theo dõi của cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động mang tính chất "tín dụng đen”. |
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, hoạt động "tín dụng đen” đã giảm, các đối tượng không còn hoạt động ngang nhiên, lộng hành như trước đây. Tuy nhiên, loại tội phạm này vẫn tiềm ẩn phức tạp, các đối tượng chuyển từ hoạt động theo băng nhóm sang hoạt động riêng lẻ; thay đổi phương thức thủ đoạn như tháo biển hiệu, không cho người mới vay, cất giấu hồ sơ và thường xuyên thay đổi địa điểm. Đặc biệt, nhiều đối tượng chuyển từ hình thức gặp mặt trực tiếp sang cho vay qua mạng Internet và các ứng dụng trên điện thoại di động.
Đoàn viên, thanh niên TP. Buôn Ma Thuột xóa gỡ rao vặt có nội dung liên quan đến "tín dụng đen". |
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt những giải pháp gắn với tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể, chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự, các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến "tín dụng đen” để cơ quan chức năng xác minh, xử lý. Các cơ quan chức năng đấu tranh trấn áp mạnh đối với tội phạm và hành vi liên quan đến "tín dụng đen”; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp bảo kê, làm ngơ, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc