Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nhiều người "dính bẫy" lừa mua hàng khuyến mại

06:16, 12/01/2021

Bị thu hút bởi lời mời chào quá hấp dẫn, nhiều người dân huyện Cư M’gar đã rơi vào “bẫy” khuyến mại của nhóm người tự xưng là nhân viên Công ty TNHH Tổ chức sự kiện và truyền thông Việt Á Group có trụ sở tại Hà Nội. Điều đáng nói, cách đây không lâu ở địa phương cũng đã xảy ra sự việc tương tự.

Theo đó, vào đầu tháng 1-2021, nhóm người tự xưng là nhân viên của công ty trên tổ chức chương trình “Người phụ nữ đảm đang” tại nhà hàng Văn On (thị trấn Quảng Phú), với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình này chỉ dành cho phụ nữ ở độ tuổi từ 30 - 70 tuổi. Theo quảng cáo, mỗi người đến tham gia chương trình sẽ có cơ hội nhận được một phần quà là một chai dầu ăn 1 lít.

Các đối tượng sử dụng chiêu bài “tri ân”, tức là mời người dân mua sản phẩm rồi hoàn trả lại số tiền đã mua. Với những sản phẩm có giá trị thấp như: bột nêm, thau, chậu, dầu ăn…, các đối tượng đã “tri ân” bằng cách hoàn trả 100% số tiền bà con đã mua. Đến những sản phẩm có giá trị như: nồi cơm điện, nồi áp suất, bếp hồng ngoại, máy làm sữa đậu nành nhãn hiệu Maccook, Nakasaki, chảo điện đa năng Nakasaki… với giá từ 1.250.000  - 3.250.000 đồng, cho rằng sẽ tiếp tục được “tri ân” nên nhiều người dân đã bỏ tiền ra mua sản phẩm, thậm chí có người không có tiền còn đi vay, hoặc về nhà bán cà phê để mua. Tuy nhiên, sau khi bán xong hàng, các đối tượng ngay lập tức lên xe bỏ đi...

Thư mời được nhóm đối tượng gửi đến người dân.
Thư mời được nhóm đối tượng gửi đến người dân.

Đã nhiều ngày trôi qua nhưng bà N.T.S. (buôn B’ling, xã Cư M’gar) vẫn chưa hết buồn vì bị lừa bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua chiếc nồi áp suất Goddad và 2 chảo vân đá chống dính khuyến mại tại chương trình “Người phụ nữ đảm đang” được tổ chức tại thị trấn Quảng Phú mới đây. Lý do khiến bà mua các sản phẩm trên vì nghĩ sẽ được các đối tượng “tri ân” lại bằng số tiền đã mua. Sợ gia đình trách mắng và làng xóm dị nghị nên bà S. đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” không dám nói với ai. Bà S. kể: “Mua các sản phẩm là thau, chậu, bột nêm… trị giá chỉ vài chục nghìn đồng thì tôi được các đối tượng “tri ân” bằng cách trả lại số tiền đã mua; đến những sản phẩm giá trị cao, thấy giá có cao hơn so với thị trường nhưng tôi vẫn mua vì nghĩ sẽ được trả lại. Khi các đối tượng bỏ đi, tôi mới biết mình bị lừa. Tiếc tiền đến nỗi cả đêm không ngủ được”.

May mắn hơn bà S., bà B.T.S. (xã Cư M’gar) cũng đã bỏ ra 550.000 đồng mua một chảo vân đá chống dính tại chương trình “Người phụ nữ đảm đang” nhưng được con trai phát hiện và đến ngăn chặn kịp thời nên các đối tượng buộc phải hoàn trả lại số tiền cho bà. Anh H.N.T, con trai bà B.T.S. bức xúc: “Nhìn giấy mời, không có thông tin gì về công ty, biết là lừa đảo, tôi nói không nên tham gia nhưng mẹ tôi vẫn đi. Tôi đến nơi tổ chức sự kiện, có hai người đứng ngoài cửa không cho vào nhưng thấy tôi kiên quyết, các đối tượng đành phải nhượng bộ. Khi vào, tôi thấy rất đông người tham gia chương trình, khoảng 200 – 300 người, toàn là phụ nữ và người già. Thấy tôi làm căng, các đối tượng liền trả lại tiền cho mẹ tôi”.

Những sản phẩm bà N.T.S. mua  từ chương trình “Người phụ nữ đảm đang”.
Những sản phẩm bà N.T.S. mua từ chương trình “Người phụ nữ đảm đang”.

Theo phản ánh của một số người dân, không chỉ ở thị trấn Quảng Phú, nhiều người ở các địa phương khác trong huyện cũng “dính bẫy” với chiêu lừa đảo tương tự, không ít người đã bỏ ra vài trăm nghìn đến vài triệu đồng để mua các món hàng có giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Nhiều người đã bật khóc khi lỡ mua nhiều hàng nhưng không tìm được các đối tượng để trả lại…

Có thể nói, mạo danh bán hàng khuyến mại để lừa đảo người dân là thủ đoạn không mới nhưng vì thiếu cảnh giác nên nhiều người vẫn bị lừa. Năm 2019, nhiều người dân ở xã Quảng Hiệp cũng đã “sập bẫy” với hình thức bán hàng tương tự của các đối tượng tự xưng là nhân viên của Công ty Minh Tuyết và Công ty TNHH – DV – KHCN Thiên An. Thiết nghĩ qua sự việc này, người dân cần nâng cao cảnh giác, nếu có nhu cầu thì nên đến các cơ sở kinh doanh uy tín để mua hàng, tránh bị các đối tượng lợi dụng, lừa đảo; chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nhận diện thủ đoạn bán hàng lừa đảo; đồng thời ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi bán hàng không đúng quy định…

Trung Dũng

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.