Multimedia Đọc Báo in

Trắng đêm cấp căn cước công dân

09:48, 04/05/2021

Những ngày này, Công an huyện Cư M'gar đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ căn cước công dân (CCCD), phấn đấu hoàn thành thủ tục cấp 73.200 thẻ CCCD cho các trường hợp đủ điều kiện trước ngày 15-6, trong đó ưu tiên cấp cho cá nhân từ 14 tuổi trở lên và những người thường xuyên phải thực hiện các giao dịch liên quan.

Việc cấp CCCD trên địa bàn huyện được tiến hành từ ngày 25-1. Để giúp công dân thuận tiện hơn, không phải mất nhiều thời gian đi lại, Công an huyện tổ chức làm thẻ CCCD lưu động tại UBND các xã, thị trấn. Theo đó, 3 tổ cấp lưu động tiến hành cấp CCCD tại 17/17 xã, thị trấn. Mỗi địa phương làm trong 2 - 3 ngày, khi hết công dân đến làm CCCD thì tổ công tác lại di chuyển đi nơi khác. Tại các điểm cấp thẻ CCCD, Công an xã, thị trấn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên địa phương thống kê, lập danh sách, phát số thứ tự, đối chiếu thông tin, hướng dẫn thủ tục… cho người dân. Trong suốt thời gian tiến hành làm thủ tục cấp thẻ CCCD, lực lượng chức năng cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Người dân được hướng dẫn các thủ tục làm căn cước công dân.
Người dân được hướng dẫn các thủ tục làm căn cước công dân.
 

Bình quân mỗi ngày, một tổ công tác thu nhận hơn 1.000 hồ sơ. Cán bộ, chiến sĩ các tổ công tác thay phiên nhau tăng ca làm việc 24/24 giờ mỗi ngày, với phương châm “Quyết liệt, thần tốc, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ” cố gắng phục vụ người dân một cách tốt nhất và hạn chế để bà con phải chờ đợi lâu".

 
Thượng tá Trần Bình Hưng, Trưởng Công an huyện Cư M'gar

Tại điểm cấp CCCD ở xã Quảng Tiến, dù quá nửa đêm đến tận 4 giờ sáng, vẫn có hàng trăm người dân chờ đến lượt làm CCCD. Có nhiều câu chuyện, chia sẻ tích cực của người dân kể việc “nhìn thấy” được tinh thần làm việc, phục vụ người dân hết mình của cán bộ, chiến sĩ công an địa phương trong quá làm thủ tục cấp CCCD.

Đó là chuyện một bà mẹ trẻ đi làm thủ tục, ẵm theo cả đứa con chưa đầy 8 tháng tuổi; trong lúc làm giấy tờ, thấy chị loay hoay với đứa con nhỏ, một chiến sĩ công an tạm gác công việc, quay sang bế em bé giúp cho đến khi người mẹ hoàn thành việc lăn tay, chụp ảnh. Hay như các chiến sĩ công an vừa tiếp nhận hồ sơ, vừa quan sát quanh hội trường và sẵn sàng xuống tận nơi mời những người già, phụ nữ mang thai lên làm trước…

Chị Trần Thị Thiện (thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến) kể: chị đến trụ sở UBND xã để làm thủ tục cấp CCCD mới. Mọi thủ tục kê khai, chụp ảnh đều được làm rất nhanh gọn. Nhưng do tay bị đứt nên chị không thể lấy vân tay được, đành về nhà chờ. Khi vết thương lành, chị đến và được cán bộ công an ân cần hỏi thăm, hướng dẫn nhiệt tình để thực hiện lấy dấu vân tay khiến chị rất hài lòng.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cư M'gar hướng dẫn công dân làm thủ tục lấy dấu vân tay.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cư M'gar hướng dẫn công dân làm thủ tục lấy dấu vân tay.

Thiếu tá H’Thuần Ayun, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Cư M'gar) chia sẻ, do đặc thù phần lớn người dân ở địa phương là lao động nông thôn nên giờ cao điểm làm việc thường rơi vào buổi tối, lượng người đến làm căn cước tăng đột biến, cao gấp nhiều lần so với ban ngày. Tổ công tác quán triệt phải làm đến khi hết người dân tới đăng ký mới nghỉ. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, bản thân chị H’Thuần phải gửi hai con nhỏ nhờ người trông giúp để túc trực tại các điểm làm căn cước, bảo đảm mọi việc diễn ra suôn sẻ. Có khi vài ba hôm chị mới về nhà với chồng con, dù nhà chị chỉ cách nơi làm việc hơn 20 km.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.