Multimedia Đọc Báo in

Trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Cư M’gar): Xây dựng phong trào học sinh giỏi và môi trường sư phạm xanh - sạch – đẹp

10:59, 25/06/2010

Những năm gần đây, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Cư M’gar) luôn dẫn đầu ngành giáo dục huyện về phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) và xây dựng môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp.
Trường có quy mô 18 lớp, với 16/34 GV dạy giỏi cấp huyện, 12 GV giỏi cấp tỉnh, 100% giáo viên chuẩn hóa, 50% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Việt Miên cho biết, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, trường rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng HSG, đây vừa là nhiệm vụ, vừa là động lực để nhà trường vươn lên trong phong trào thi đua hai tốt : “Dạy tốt và học tốt” của ngành giáo dục.
Xác định rõ mục tiêu muốn có trò giỏi, trước hết phải có thầy giỏi, do đó, để nâng cao chất lượng giáo viên, nhà trường đã có những cách làm như: đẩy mạnh sinh hoạt nhóm, tổ chuyên môn, rút kinh nghiệm những bài giảng, bài soạn khó, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, làm đồ dùng dạy học, tự học, tự rèn, viết sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ. Nhiều giáo viên của trường đã đạt giải cao trong hội giảng cấp huyện, tỉnh, có 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh 3 năm liền, tiêu biểu là các cô giáo Nguyễn Thị Diệu Quỳ (tổ Toán-Tin), Nguyễn Thị Nga (bộ môn Ngữ Văn).  Từ chỗ hoàn thiện đội ngũ giáo viên, nhà trường tổ chức bồi dưỡng HSG thông qua việc thành lập các “Câu lạc bộ em yêu thích môn học” để phát hiện những học sinh có năng khiếu, tuyển chọn và giao cho giáo viên có trình độ chuyên môn vững bồi dưỡng các em. Cô Nguyễn Thị Diệu Quỳ, một trong những giáo viên có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng HSG cho biết, ngoài việc chú trọng cung cấp những kiến thức cơ bản làm nền tảng vững chắc, các thầy cô còn hướng dẫn các em làm nhiều bài tập, đọc sách tham khảo để làm giàu thêm vốn kiến thức, nhờ đó, đã khơi dậy tính tích cực, sáng tạo trong các tiết học, giúp các em tự tin, chủ động khi tham gia vào các kỳ thi.
Năm học 2009-2010, toàn trường có 96,5% học sinh khá, giỏi, dẫn đầu số lượng HSG trong toàn huyện; 100% học sinh được xếp loại hạnh kiểm khá, tốt; không có học sinh vi phạm đạo đức, không có tệ nạn xã hội. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2009-2010, trường dẫn đầu trong toàn huyện với 30/85 giải, trong đó: 2 giải Nhất (bộ môn Hóa và giải Toán bằng máy tính trên mạng (khối 7)); 5 giải Nhì các môn: Văn, Toán, Hóa, giải Toán bắng máy tính bỏ túi; 15 giải Ba; 8 giải Khuyến khích các môn văn hoá; 2 Huy chương Vàng môn cờ vua và bóng chuyền nữ.

Học sinh tham gia cuộc thi
Học sinh tham gia cuộc thi "Tìm nhà sử học nhỏ tuổi"

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, trường còn chú trọng quan tâm đến rèn giũa nền nếp, tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt ngoài giờ như: thi “Kể chuyện về đời hoạt động của Bác Hồ”, “Giai điệu tuổi hồng”, “Tìm hiểu về an toàn giao thông”… Đặc biệt, hoạt động ngoài giờ với chuyên đề “Đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử” kết hợp với cuộc thi “Tìm nhà sử học nhỏ tuổi, hình thức tổ chức như cuộc thi “Rung chuông Vàng”, đã đạt được hiệu quả tích cực trong công tác dạy và học, như đem lại cái nhìn mới mẻ, khơi dậy niềm say mê và được các em nhiệt tình tham gia đối với môn học vốn được coi là khô khan này. Chuyên đề đã được Phòng Giáo dục- đào tạo huyện đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay.
Cũng như nhiều cơ sở giáo dục khác, nhà trường hưởng ứng tích cực các cuộc vận động lớn của ngành, trong đó có phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đến trường THCS Nguyễn Tất Thành, nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi tuyến đường hàng trăm mét trước khuôn viên trường lúc nào cũng sạch đẹp với hàng cây xanh luôn tỏa bóng mát. Đây là công trình “Đoạn đường em yêu” do Liên đội nhà trường phát động từ năm 2008, giao cho từng chi đội quét dọn, chăm sóc cây xanh thường xuyên. Ngoài ra, trường còn tổ chức nhiều hoạt động  khác như: “Kế hoạch nhỏ”, “Nuôi heo đất”, “Áo trắng tặng bạn”, “Trường em xanh- sạch- đẹp” và giao cho từng chi đội chăm sóc các công trình măng non, bồn hoa cây cảnh...
Với những nỗ lực trên, đã giúp cho chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục huyện Cư  M’gar.
Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.