Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:19, 20/09/2010

Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh ta đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...

Đến nay, mạng lưới trường lớp đã phủ kín đến tận các xã trong toàn tỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, tỷ lệ phòng học kiên cố ở cấp phổ thông đạt hơn 65%, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS được đặc biệt chú trọng. Việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước với học sinh DTTS được quan tâm thực  hiện tốt, như phát triển hệ thống  trường phổ thông dân tộc nội trú, trường có bộ phận nội trú dân nuôi, cấp sách vở, miễn học phí cho học sinh phổ thông, cấp học bổng và chế độ kèm theo cho học sinh dân tộc nội trú. Ngoài ra, tỉnh còn có chế độ hỗ trợ cho học sinh DTTS ở bộ phận nội trú dân nuôi, học sinh DTTS đi học đại học-cao đẳng, ưu tiên trong xét tuyển công chức, viên chức với học sinh DTTS đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp…

Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Ea Kar mới được đầu tư xây dựng khang trang.
Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Ea Kar mới được đầu tư xây dựng khang trang.

Cùng với đó, ngành giáo dục còn quan tâm triển khai việc dạy chữ Êđê trong trường phổ thông. Số lượng học sinh DTTS học tiếng Êđê ngày càng tăng, chất lượng học cũng được nâng lên đáng kể. Những năm học vừa qua, đã có trên 50% học sinh các khối 6,7,8 đạt kết quả khá, giỏi. Việc dạy tiếng Êđê đã phần nào đáp ứng nguyện vọng của đông đảo phụ huynh mong cho con em được học tiếng mẹ đẻ, tạo động lực nâng cao chất lượng học tập của các em. Tỉnh đã thông qua đề án Dạy tiếng nói, chữ viết Êđê trong các trường tiểu học, THCS giai đoạn 2010-2015 nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mở rộng dạy tiếng Êđê ở các trường học, tập trung vùng có đông đồng bào dân tộc Êđê sinh sống. Ngành giáo dục cũng quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chế độ ưu đãi  đối với giáo viên giảng dạy ở các trường dân tộc nội trú, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là xây dựng đội ngũ giáo viên người DTTS, hiện toàn ngành có 2.387 giáo viên DTTS. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng đang hoàn thiện công tác xây dựng, củng cố đội ngũ quản lý chuyên môn giáo dục dân tộc.

Sự quan tâm thiết thực đó đã góp phần khích lệ, động viên con em đồng bào các DTTS đến trường, chất lượng học tập từng bước được cải thiện. Năm qua, trẻ 5 tuổi người DTTS ra lớp mẫu giáo đạt tỷ lệ hơn 84%, học sinh DTTS tốt nghiệp THPT gần 64%, tốt nghiệp THCS hơn 94%. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành giáo dục, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, với học sinh DTTS, chất lượng học tập vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; tỷ lệ  huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp còn thấp. Đáng lưu ý là số học sinh bỏ học, học lực yếu kém còn nhiều. Khảo sát của ngành giáo dục về học lực học sinh DTTS năm học qua cho thấy, cấp tiểu học có hơn 13% học sinh yếu; THCS có hơn 19% yếu, 0,9% kém; THPT có hơn 24% yếu, 0,8% kém. Một số trường học vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, một số xã chưa có trường THCS, trường mẫu giáo riêng; số lượng giáo viên là người DTTS, giáo viên dạy tiếng Êđê còn quá ít so với yêu cầu thực tiễn…

Điểm lớp mẫu giáo buôn Tara xã Hòa Đông, huyện Krông Pak xây dựng theo Chương trình kiên cố hóa trường học năm 2009-2010.
Điểm lớp mẫu giáo buôn Tara, xã Hòa Đông, huyện Krông Pak xây dựng theo Chương trình kiên cố hóa trường học năm 2009-2010.

Để công tác giáo dục vùng DTTS đạt hiệu quả cao hơn, theo ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD - ĐT, Nhà nước và ngành cần tiếp tục tăng cường đầu tư nguồn lực cho giáo dục vùng DTTS, xây dựng trường lớp kiên cố, củng cố và tăng cường hệ thống các trường dân tộc nội trú, nội trú dân nuôi, thu hút học sinh đến trường, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, thất học. Trong giai đoạn 2010-2020, ngành giáo dục Dak Lak sẽ tập trung cho những nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học vùng sâu, vùng xa, chú trọng ngành học mầm non, bậc tiểu học, THCS nhằm xóa tình trạng phòng học tạm, học nhờ; duy trì và phát triển  việc dạy tiếng Êđê ở tiểu học và THCS, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS ở bậc học mầm non, tiểu học; đẩy mạnh thực hiện chương trình mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; bồi dưỡng chuyên môn và tiếng dân tộc cho giáo viên dạy ở vùng DTTS…

Trong Chương trình Quốc gia đến năm 2015, đầu tư cho giáo dục - đào tạo vùng đồng bào DTTS là một nội dung quan trọng hàng đầu và đang được tích cực triển khai thực hiện. Những nỗ lực của ngành sẽ thúc đẩy chương trình đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào DTTS trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có 16 trường phổ thông dân tộc nội trú; 10 trường xây dựng bộ phận bán trú dân nuôi; có 159.452 học sinh DTTS, chiếm tỷ lệ 33,6% tổng số học sinh trên địa bàn, trong đó có 2.887 học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, 964 học sinh được hưởng chế độ nội trú dân nuôi.
Việc dạy tiếng Êđê đang  được triển khai ở 77 trường tiểu học với 10.272 học sinh từ  lớp 3 đến lớp 5; 13 trường phổ thông dân tộc nội trú với 34 lớp, 1.249 học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 theo học. Theo kế hoạch, đến năm 2015 có 100 trường, với hơn 580 lớp và 15.000 học sinh được học song ngữ Việt- Êđê.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc