Thí điểm dạy môn Tin học ở bậc tiểu học - nhìn từ một ngôi trường
Là một trong 5 trường tiểu học (Tô Hiệu, Ngô Quyền, Nguyễn Công Trứ, Trần Quốc Toản và Trần Quốc Tuấn) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được chọn thí điểm dạy Chương trình Tin học cho học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục – Đào tạo triển khai từ năm học 2006-2007, sau 3 năm học Trường Tiểu học Tô Hiệu đã vượt qua những khó khăn và kết quả đạt được rất đáng ghi nhận.
Trường Tiểu học Tô Hiệu (phường Ea Tam), cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường có thể áp dụng những nội dung, chương trình mới vào giảng dạy. Năm học 2004-2005, do nhu cầu phần lớn phụ huynh học sinh cũng như mong muốn của Ban giám hiệu về ứng dụng công nghệ thông tin vào học đường để nâng cao tinh thần tự học của các em, từ đó tránh xa các trò chơi trên Internet, trường đã quyết định đưa môn Tin học vào giảng dạy. Sự đồng lòng giữa phụ huynh và nhà trường cộng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, lớp học Tin học được hình thành. Ban đầu chủ yếu dành cho học sinh khối bán trú gồm các lớp 3, 4 và 5, mỗi lớp 1 tiết/tuần.
Một giờ học vẽ trên máy vi tính của học sinh lớp 3. |
Khi hoạt động dạy - học dần đi vào nền nếp cũng là lúc Chương trình dạy thí điểm môn Tin học của Bộ GD&ĐT bắt đầu được triển khai tại tỉnh ta. Do có nền tảng và kinh nghiệm từ trước nên Phòng Giáo dục TP. Buôn Ma Thuột đã quyết định chọn Trường Tiểu học Tô Hiệu cùng 4 trường khác tiến hành dạy thí điểm môn Tin học trên địa bàn. Từ khi triển khai đề án này, trường được đầu tư thêm 11 máy vi tính (tổng cộng có 20 máy, bình quân 2 em/máy mỗi lớp học), việc học tập của thầy và trò đã thoải mái hơn, học sinh khối lớp 2 cũng bắt đầu được làm quen với môn học này. Bộ GD-ĐT đã có chương trình, tài liệu hướng dẫn cụ thể, từng khối lớp có phần mềm riêng như: khối lớp 2 các em được học nội dung: làm quen với các phím, tô màu và làm toán; khối lớp 3 đến 5 học: soạn thảo văn bản, làm toán, học Anh văn, tạo lôgô và vẽ. Hiện toàn trường có 643 học sinh của 15 lớp (từ khối 2 đến khối 5) được học Tin học, mỗi lớp học 2 tiết/tuần theo đúng chương trình của Bộ. Cô Nguyễn Thị Bích Ngân giáo viên dạy Tin học cho biết: “Nội dung giảng dạy bao gồm 2 phần: thực hành và lý thuyết, dựa vào đặc thù của từng khối mà phân số tiết thực hành và lý thuyết cụ thể”. Song, do nhu cầu máy móc chưa đáp ứng đủ nên trong giờ học nhiều em vẫn chưa tiếp thu hết nội dung bài giảng. Trường chỉ có 1 giáo viên hợp đồng dạy Tin học, bình quân phải dạy 30 tiết/tuần (mỗi tiết 40 phút), trong khi định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học theo quy định của Bộ GD-ĐT là 23 tiết, việc dạy quá số tiết quy định sẽ khiến giáo viên căng thẳng, mệt mỏi, làm giảm chất lượng giảng dạy. Giáo viên thiếu, phòng học chật hẹp, máy móc chưa đáp ứng nên muốn nâng cao việc giảng dạy cũng còn nhiều trở ngại. Mong muốn có giáo viên biên chế để họ yên tâm công tác và nâng cao chất lượng chuyên môn là nhu cầu cấp thiết mà nhà trường rất quan tâm, hằng năm, nhà trường đều xin giáo viên cho môn Tin học nhưng vẫn chưa được duyệt. Bù lại những khó khăn đó là sự hứng thú học tập của học sinh và hiệu quả của môn học đưa lại. “Sau khi học môn này học sinh đã có những hiểu biết ban đầu về Tin học và ứng dụng kiến thức về Tin học vào đời sống và học tập; bước đầu làm quen với cách giải quyết vấn đề có sử dụng công cụ tin học; tạo điều kiện để trẻ em thích ứng với đời sống xã hội hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc tiểu học”, Hiệu trưởng nhà trường Trần Xuân Hùng nhận định.
Tô Ngọc
Ý kiến bạn đọc