Multimedia Đọc Báo in

Năm 2011, triển khai 5 dự án giáo dục quan trọng

16:44, 24/02/2011

Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn nội dung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT năm 2011 với 5 dự án gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, năm 2011 sẽ triển khai 5 dự án quan trọng bao gồm: Hỗ trợ phổ cập mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS; Đào tạo nguồn nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT trong giáo dục; Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn và Dự án tăng cường năng lực đào tạo trong các cơ sở giáo dục.

 

Học sinh vùng sâu, xã Krông Nô (huyện Lak) được học tập trong ngôi trường khang trang (Ảnh: NH)

 
Đối với dự án Hỗ trợ phổ cập mầm non 5 tuổi, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý làm công tác phổ cập giáo dục nhằm nâng cao nghiệp vụ giảng dạy, năng lực quản lý, triển khai, duy trì hoạt động phổ cập giáo dục. Mua sắm trang bị bộ thiết bị tối thiểu cho các lớp mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, bộ thiết bị nội thất dùng chung cho các lớp học, thiết bị cho các nhóm/lớp trẻ em dưới 5 tuổi có đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, trang bị bộ đồ chơi ngoài trời. Hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Thù lao cho giáo viên, cung cấp SGK, học phẩm cho các trường TH, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, tài liệu tin học để tổ chức dạy học môn tin học trong nhà trường đảm bảo cập nhật những kiến thức mới; bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, tuyển chọn hệ thống phần mềm hỗ trợ giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó phát triển mạng giáo dục, kết nối Internet băng thông rộng tới các cơ sở giáo dục”, đây là những yêu cầu của Bộ GD-ĐT đối với dự án đào tạo nguồn nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT trong giáo dục.

 

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Ea Kar đưa môn Tin học  vào giảng dạy (Ảnh:NH)

Một trong những dự án được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong năm 2011 đó là hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn. Để triển khai tốt dự án này Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương hỗ trợ xây dựng mới trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú hoặc điểm trường mới ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có khó khăn; hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, tài liệu, phương tiện nghe nhìn, đồ dùng dạy học... của các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, huyện; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường PTDT bán trú, các cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn, nhất là những vùng thường xuyên có thiên tai, lũ lụt.

Đối với học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cư trú tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì hỗ trợ học phẩm tối thiểu cho các em yên tâm học tập.
Để dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân được triển khai rộng rãi và hiệu quả, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương cần thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên dạy môn ngoại ngữ các cấp học; hỗ trợ mua sắm sách giáo khoa, tài liệu, bổ sung trang thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các phòng học thông thường, phòng học bộ môn ngoại ngữ cho các trường học ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Riêng đối với dự án tăng cường năng lực đào tạo các cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, THCS, THPT nhằm tăng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo.

Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên cho ĐH, CĐ, trong đó ưu tiên các trường (khoa) sư phạm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ nâng cấp và xây dựng thêm phòng học để thu hút tối đa trẻ 5 tuổi đến lớp; tăng dần tỷ lệ học sinh tiểu học, THCS được học 2 buổi/ngày.


NH (Nguồn GD&TĐ + Dân trí)


Ý kiến bạn đọc