Multimedia Đọc Báo in

Chọn trường mùa thi: Băn khoăn trước “ngã rẽ”

20:51, 03/04/2012

Thị trường nào? ngành nào? Ra trường làm việc gì?... là những câu hỏi mà bất kỳ một học sinh (HS) lớp 12 nào cũng phải nghĩ tới. Những băn khoăn, trăn trở này càng trở nên bức thiết khi thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) cận kề.

Ngổn ngang nỗi lo chọn trường

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, HS lớp 12 lại tất bật với việc ôn thi và lựa chọn ngành học, trường thi. Với nhiều HS dù đã xác định sở thích và ngành nghề cho tương lai từ rất sớm nhưng khi đặt bút điền những thông tin cần thiết vào hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ vẫn không khỏi băn khoăn, dao động. HS Lê Văn Cường, lớp 12B1, Trường THPT Cao Bá Quát (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Học lực của em chỉ trung bình, nhưng gia đình định hướng nên chọn thi Khối A, ngành Quản trị - Kinh doanh để cơ hội việc làm sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, em vẫn chưa quyết định”. Cùng chung tâm trạng, em H’Mi Riam Ayun (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pak) nói: “Từ năm lớp 10 em đã thích ngành Y Đa khoa (Khối B) Trường Đại học Tây Nguyên, nhưng điểm chuẩn của ngành này luôn cao nên em chọn thêm ngành Sư phạm Tiểu học (Khối A), hy vọng sẽ đỗ một trường ĐH trong mùa tuyển sinh 2012”.

Học sinh tìm hiểu thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.

Cả tuần nay, HS Bùi Thanh Hải, lớp 12A2, Trường THPT Việt Đức (huyện Cư Kuin) cứ loay hoay chưa biết nên nộp hồ sơ ĐKDT vào ngành Sức khỏe (Trường Đại học Cảnh sát), Điện tử (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) hay  Sư phạm Hóa (Đại học Tây Nguyên). Cả 3 ngành học này đều thi Khối A vào ngày 4 và 5 - 7, do đó chỉ có thể chọn thi một trường. Hải chia sẻ: “Trường mình thích thì điểm cao quá, thi trường thấp để có nhiều khả năng đỗ thì lại thấy không hài lòng, thực sự em chẳng biết mình sẽ thi trường nào cho phù hợp nữa”.

Những băn khoăn, thắc mắc của sĩ tử và phụ huynh không chỉ dừng lại ở ngành học, trường thi, điểm chuẩn, điểm ưu tiên dành cho HS khu vực miền núi… mà còn là cơ hội việc làm sau khi ra trường, điểm giống và khác nhau giữa những ngành nghề, tố chất phù hợp với ngành nghề. Chị Hoàng Thị Chuyên (huyện Krông Pak) phân vân: “Con trai tôi dự tính thi ngành Hóa dầu, ngành này có dễ tìm việc không?”. Một học sinh khác lại băn khoăn “Giữa ngành Y Đa khoa của Trường Đại học Tây Nguyên và ngành Khoa học Môi trường của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành nào có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn và  thu nhập cao hơn?”… 

Đại học không phải là con đường duy nhất...

Theo các chuyên gia tư vấn, tuyển sinh đến từ trường ĐH, CĐ, TCCN và các trung tâm đào tạo  uy tín trong cả nước, ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Điều quan trọng HS xác định đúng sở thích, năng lực của bản thân và nhạy bén khi lựa chọn trường để thi. Khi lựa chọn ngành học, trường thi, HS nên chọn trường vừa sức học, gần nhà. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) khuyên “các em cần xem xét kỹ học lực của mình phù hợp với ngành nào, điểm chuẩn của ngành học đó qua các năm, từ đó xác định động cơ học tập, phấn đấu. Các em cũng cần phải cân nhắc học ở đâu thuận tiện, phù hợp điều kiện kinh tế của gia đình”. Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, Chuyên viên tư vấn Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trước tiên HS phải biết mình quan tâm đến nghề nào, có thể tham khảo từ bố mẹ, thầy, cô giáo, trên mạng Internet để xác định đúng nghề mình ưa thích. Mỗi nghề đều có mặt hào nhoáng bên ngoài và nhược điểm bên trong, vì thế HS cần tìm hiểu kỹ về ngành dự định nộp hồ sơ ĐKDT. Các em học một ngành nhưng có thể làm việc nhiều ngành, đơn cử  ngành Quản trị - Kinh doanh có thể làm những công việc liên quan đến công tác nhân sự, marketing, kinh doanh... Khi đã chọn được nghề, các em có thể chọn ngành học phù hợp, tiếp theo cần xem xét khả năng tài chính của gia đình.

Trung bình mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 50.000 hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ. Riêng năm 2011 số lượng hồ sơ ĐKDT khu vực phía Nam tỉnh ta chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên kết quả đậu ĐH, CĐ chỉ xếp hạng 40/63 tỉnh, thành (khoảng 10.000 học sinh trúng tuyển). Theo Thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT), kết quả không cao một phần do HS chọn trường chưa phù hợp. Vì vậy, khi chọn ngành học các em phải chú ý đến bốn yếu tố: phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, nhu cầu nhân lực của xã hội và bảo đảm cuộc sống sau này.

 Có một “suất” trong giảng đường ĐH là một ước mơ chính đáng của HS. Tuy nhiên ĐH không là “bảo hiểm” của sự thành công, đổi đời. Có nhiều con đường học tập lập thân, lập nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 trường trung cấp chuyên nghiệp và 2 trường cao đẳng nghề. Do đó, nếu năng lực học tập không đủ để thi đậu vào các trường ĐH, các em có thể học hệ TCCN, CĐ sau đó liên thông ĐH.

Bên cạnh việc chọn ngành, chọn trường phù hợp, HS còn phải chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, sức khỏe mới có thể bảo đảm cho một kỳ thi thành công.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc