Multimedia Đọc Báo in

Hội thi giáo viên Mầm non hát dân ca cấp tỉnh lần thứ II năm học 2011-2012: Ngọt ngào câu hát dân ca

08:39, 03/04/2012

Hàng trăm ca sĩ, diễn viên không chuyên đến từ các trường mầm non trong tỉnh đã khiến khán giả Hội thi giáo viên Mầm non hát dân ca cấp tỉnh lần thứ II năm học 2011-2012 (diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-3) bất ngờ với những làn điệu dân ca Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên đầy cảm xúc. Phần công diễn của Hội thi khép lại trong tràng pháo tay không dứt kèm theo sự luyến tiếc…

Thêm yêu văn hóa truyền thống

Đến hẹn lại lên (2 năm một lần), hàng trăm giáo viên, học sinh mầm non trong tỉnh lại hội tụ về TP. Buôn Ma Thuột tham gia Hội thi. Nhiều thầy, cô giáo nhà ở cách xa hơn 100 km, phải đem theo con nhỏ vẫn háo hức tham gia “khoe tài”. Qua đó cho thấy, việc “đưa dân ca” vào trường học đã được các trường mầm non triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh nhằm góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tiết mục Đèn cù của đơn vị Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột.

Cô H’un K’tal, giáo viên Trường Tiểu học N’Trang Lơng (xã Nam Ka, huyện Lak) - một trong 3 trường tiểu học của huyện Lak có 2 cấp học - chia sẻ: “Xã Nam Ka cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hơn 120 km, giao thông cách trở, vì vậy từ chiều hôm trước tôi đã “đèo” cậu con trai hơn 1 tuổi bằng xe máy đi theo hướng tỉnh Dak Nông cho gần. Vừa chạy xe vừa lo nếu con ốm thì mẹ không biểu diễn được. Sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả đã “tiếp lửa” cho tôi biểu diễn trên sân khấu và quên mệt nhọc".

Còn cô H’út Niê H’rak, Trường Hoa Pơ Lang (xã Dur K’măn, huyện Krông Ana) nói: “Dân ca mỗi vùng miền có sắc thái, độ luyến láy đặc thù, nhất là các làn điệu dân ca Thanh Hóa. Do vậy khi tiết mục Đi cấy (dân ca Thanh Hóa) được Phòng GD-ĐT chọn tham dự Hội thi cấp tỉnh, các thành viên trong nhóm dành thời gian, công sức tập luyện. Không như đồng nghiệp người Kinh, tôi và một đồng nghiệp người Êđê nữa gặp rất nhiều khó khăn để có thể hát đúng giai điệu, độ luyến láy của bài. Dẫu chưa một lần ghé thăm Thanh Hóa, nhưng qua câu hát “Lên chùa bẻ một cành sen…” man mác trữ tình hay tiếng dô khoan, dô huầy theo nhịp đò đưa giúp tôi hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm thiết tha chân thành của người miền quê Thanh vốn mộc mạc nhưng rất anh dũng, kiên cường”.

“Tài sản” của ngành học Mầm non

Hội thi giáo viên Mầm non hát dân ca cấp tỉnh lần thứ II năm học 2011-2012 tạo dấu ấn bởi sự thành công vượt bậc về mặt chất lượng. Ngoài dàn dựng chương trình công phu, các đơn vị đã lựa chọn, sắp xếp các tiết mục hợp lý, trang phục và phong cách biểu diễn khá điêu luyện, nhất là việc thể hiện giai điệu của từng vùng miền. Tiêu biểu như tiết mục: Mưa rơi (dân ca Xá), Lý mười thương (dân ca Huế) của đơn vị Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ; Bay đi chim, Lý đất giồng, Bèo dạt mây trôi (dân ca quan họ Bắc Ninh) của Phòng GD-ĐT huyện Krông Pak; Bà rằng bà rí (dân ca Phú Thọ) của Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana… So với Hội thi trước các đơn vị đã có sự bứt phá về lựa chọn bài hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc như ching Đing, Đàn tính, ching Kram... Đặc biệt, Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ đưa thể loại hợp xướng vào chương trình dự thi tạo hiệu quả nghệ thuật cao. Không dừng lại ở đó, Hội thi lần này còn có nhiều giọng ca nổi bật như: Hra Chen H’Dớt, Đỗ Thị Hồng Trang (Krông Ana); Nguyễn Thị Hạnh (Krông Pak), Hzen Êban, Đậu Minh Thuận (Cư M’gar), H’len Knul (Trường Thực hành Sư phạm Mầm non Hoa Hồng); Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Ka Mích (thị xã Buôn Hồ)… Theo nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn, Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo Hội thi, đây là “tài sản” của ngành học mầm non. Những thầy, cô giáo này sẽ truyền thụ, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho trẻ thông qua những làn điệu dân ca mượt mà, bởi không ai khác, chính các em là người sẽ lưu giữ và phát huy, phát triển một cách tốt nhất những làn điệu dân ca.

Hội thi giáo viên Mầm non hát dân ca lần thứ II năm học 2011-2012 đã khép lại với niềm vui chiến thắng thuộc về các đội có sự quan tâm đầu tư của Phòng GD-ĐT, sự dày công khổ luyện của các thầy, cô giáo. Không ít đơn vị  ra về trong niềm luyến tiếc và hẹn Hội thi năm sau để cùng tranh tài, động viên nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, góp phần lưu giữ, phát huy văn hóa truyền thống.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc