Multimedia Đọc Báo in

Thắp sáng đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học

08:36, 26/01/2016

Xuất sắc vượt qua 2 vòng thi, 16 đề tài đã đoạt giải Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh (HS) trung học cấp tỉnh lần thứ III năm học 2015-2016 tổ chức hồi đầu tháng 1; trong đó 6 đề tài đoạt giải Nhất được Ban tổ chức chọn tham dự Cuộc thi cấp quốc gia tổ chức tại tỉnh Đồng Nai vào tháng 3 tới.

Cuộc thi năm nay quy mô hơn 2 cuộc thi trước, với 183 đề tài của 119 tác giả, nhóm tác giả đến từ 50 trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú và trường THCS (thuộc các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố) đã qua vòng thẩm định để tham gia vòng thi cấp tỉnh. Nếu tính cả vòng thi cấp trường và cấp huyện thì số lượng HS tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) khá lớn, tạo nên phong trào rộng rãi trong toàn tỉnh, là tiền đề cho hoạt động sáng tạo của tuổi trẻ. Không chỉ có các trường ở trung tâm mà nhiều trường vùng sâu, vùng xa cũng hào hứng tham gia. Ông Nguyễn Hữu Quát, Trưởng Phòng Trung học (Sở GD-ĐT) đánh giá: “Thành công của cuộc thi không chỉ ở số lượng đề tài dự thi mà là sự nhiệt tình, tính chủ động, say mê NCKH của giáo viên và HS. Sự tự tin của các tác giả khi thuyết trình đề tài, trả lời câu hỏi phỏng vấn đã thuyết phục Ban giám khảo. Nhiều đề tài có ý tưởng sáng tạo, hàm lượng tri thức khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, hướng đến cộng đồng, như: Lá ổi khô - Quà tặng cuộc sống; Góc nuôi trồng rau sạch mi ni; Thiết bị hỗ trợ chống gù lưng cho học sinh…”.

Tác giả Trần Thị Kim Thư (Trường THPT Lê Quý Đôn) giới thiệu Đề tài “Máy gieo hạt”.
Tác giả Trần Thị Kim Thư (Trường THPT Lê Quý Đôn) giới thiệu Đề tài “Máy gieo hạt”.

 Cũng như ở 2 cuộc thi trước, lĩnh vực nông nghiệp, môi trường có sức hấp dẫn đặc biệt đối với HS, vì vậy các tác giả, nhóm tác giả đã đầu tư thời gian, công sức tìm tòi nghiên cứu. Tiêu biểu có các đề tài: Bảo quản bơ booth bằng chất bảo quản chiết xuất từ hạt bưởi; Cà phê vàng... Ở lĩnh vực công nghệ thông tin có đề tài VocabMemoriser - Phần mềm giúp ghi nhớ từ vựng tiếng Anh; Phần mềm tìm hiểu các nhân vật lịch sử Việt Nam và thế giới; Giải pháp thông minh - giám sát hệ thống an ninh qua internet. Bên cạnh đó, Ban giám khảo cũng khá ấn tượng với các dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ mang tính thực tiễn và nhân văn: Chiếc xe đa năng thu, gom, đảo, trở, vận chuyển cà phê, tiêu và các loại nông sản khác; Dụng cụ gieo hạt đa năng; Mạch chống trộm thông minh ở xe máy, xe mô tô…Tuy một số dự án còn đơn giản nhưng là những gợi ý rất có ý nghĩa cho sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với thực tiễn cuộc sống.

Trăn trở trước thực trạng giới trẻ “không mặn mà” với môn Lịch sử, nhóm tác giải Võ Thành Nhân, Dương Mỹ Thiện (Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) thực hiện đề tài “Phần mềm tìm hiểu về các nhân vật lịch sử Việt Nam và thế giới”. Tác giả chia sẻ: “Gần đây, rất ít HS chọn môn lịch sử để học tập và nghiên cứu. Nguyên nhân là do chưa thấy được tầm quan trọng môn học này đối với cuộc sống; mặt khác phương pháp truyền thụ môn Lịch sử của giáo viên làm cho HS không hứng thú. Có rất nhiều tài liệu về các nhân vật lịch sử của Việt Nam và thế giới nhưng chưa được hệ thống lại, rất khó để tìm kiếm, tra cứu. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của giáo viên, nhóm chúng em đã thu thập thông tin như: tiểu sử, hình ảnh, video tiêu biểu về cuộc đời và hoạt động của các nhân vật lịch sử Việt Nam và thế giới đưa vào cơ sở dữ liệu, từ đó giúp cho HS dùng làm tài liệu tham khảo trong việc học tập và nghiên cứu về lịch sử”. Đem đến cuộc thi đề tài “Chiếc xe đa năng thu gom, đảo, trở, vận chuyển cà phê, tiêu và các loại nông sản khác”, em Y Nahôm Kbuôr (Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Cư M’gar) cho biết: “Mỗi vụ thu hoạch cà phê, nhìn bố mẹ và bà con nông dân mất nhiều công sức phơi phóng, em nghĩ ngay đến việc chế tạo một chiếc xe đa năng để thực hiện công việc nặng nhọc này”.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học chính thức được đưa vào nhiệm vụ năm học 2015-2016, giúp HS vận dụng kiến thức đã học giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần đổi mới hoạt động dạy học, đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực của HS. Không chỉ vậy, cuộc thi còn tác động trực tiếp để mỗi giáo viên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học trong các trường trung học hiện nay. Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Có nhiều giải thưởng được trao tặng trong Cuộc thi lần thứ III, nhưng phần thưởng lớn nhất là tạo điều kiện cho các em HS phổ thông tiếp cận với thế giới khoa học phong phú, tạo động lực thúc đẩy mỗi HS học tập tốt hơn. Cuộc thi đã thắp sáng đam mê vươn tới đỉnh cao tri thức cho HS”.

6 đề tài xuất sắc được chọn tham dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm 2016 là: Bảo quản bơ booth bằng chất bảo quản tự nhiên chiết xuất từ hạt bưởi của nhóm tác giả Võ Bảo Khôi, Hoàng Đình Phúc (THPT Chuyên Nguyễn Du); Cà phê vàng - Lưu Nam Phương, Đông Thị Vân Anh (THPT Lê Hữu Trác); Chiếc xe đa năng thu gom, đảo, trở, vận chuyển cà phê, tiêu và các loại nông sản khác - Y Nahôm Kbuôr (THCS Cao Bá Quát, huyện Cư M’gar); Dụng cụ gieo hạt đa năng - Trần Nguyễn Quốc Khánh (THPT Krông Bông); VocabMemorizer - Phần mềm giúp trí nhớ từ vựng tiếng Anh - Nguyễn Tiến Dũng (THPT Krông Ana); Phần mềm tìm hiểu về các nhân vật lịch sử Việt Nam và thế giới - Võ Thành Nhân và Dương Mỹ Thiện (THPT Chuyên Nguyễn Du);

Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.